CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:02

Xin ý kiến Bộ Chính trị về hàm cấp tướng đối với Giám đốc công an tỉnh, thành phố

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn, xin ý kiến UBTVQH về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, về quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng của giám đốc công an tỉnh, thành phố vẫn còn ý kiến khác nhau.

Theo đó, một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật; một số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí xác định giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm tướng, có quy trình, điều kiện chặt chẽ.

Một số ý kiến đề nghị tất cả giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng để phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quy mô tổ chức của công an cấp tỉnh, công tác quy hoạch cán bộ trong công an nhân dân. Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với giám đốc công an cấp tỉnh, thành phố là đại tá, bảo đảm tương đương với quân hàm của chỉ huy quân sự cùng cấp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Ông Việt cho hay, thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo luật; tuy nhiên, nội dung này các đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau, nên đề nghị UBTVQH  báo cáo Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến.

Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định như dự thảo luật là hợp lý, nhưng trái với thông báo của Bộ Chính trị; đồng thời đây cũng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên cần phải xin ý kiến. “Khi Bộ Chính trị có chỉ đạo, việc hoàn thiện dự thảo sẽ dễ hơn”, ông Định nói.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Theo kết luận cũ của Bộ Chính trị chỉ có Giám đốc Công an TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được cấp tướng. Giờ mở rộng thêm thì Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí nhưng lại trái với kết luận trước đây của Bộ Chính trị, do đó phải xin ý kiến”.

 

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt báo cáo về Luật Công an nhân dân (sửa đổi)


Về Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức Công an nhân dân, thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cho rằng, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trong tình hình hiện nay là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo đảm an ninh, trật tự. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nên thực hiện chuyển dần, từng bước, theo lộ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định đề nghị nên quy định rõ thời hạn chuyển đổi công an xã sang chính quy trong vòng bao nhiêu năm ngay trong dự thảo Luật. Theo đó, những xã trong thời gian chưa chuyển đổi vẫn áp dụng Pháp lệnh Công an xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là một chủ trương lớn, thay đổi hẳn vị trí pháp lý của Công an xã. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, Ban soạn thảo cần có Báo cáo tổng kết đánh giá tác động một cách toàn diện về vấn đề này; dự báo cụ thể và toàn diện về kinh phí, nguồn lực, biên chế, cơ sở vật chất… cho việc chuyển đổi.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh