CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:52

Xin đừng dùng thuốc diệt chuột tẩm ướp rau quả

Trong phiên Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015  và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 ngày 2/11, rất nhiều đại biểu (ĐB) đã lên tiếng về những vấn đề nóng trong phát triển nông nghiệp.

Lo ngại việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

 ĐB Đỗ Văn Đương đã đề cập đến một vấn đề dư luận rất quan tâm và lo lắng hiện nay là an toàn trong sản xuất nông sản. Theo ĐB Đỗ Văn Đương, việc đấu tranh quyết liệt với nhập khẩu chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi cần phải như đấu tranh với tội phạm ma túy.

Để đủ sức làm cánh đồng lớn, nhà nông rất cần được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà tài chính... Ảnh: Nông dân tham quan cánh đồng lớn ở huyện Châu Thành, Trà Vinh.

“Tôi đề nghị Bộ Y tế, Bộ  NN&PTNT phải làm rõ trách nhiệm của người cho nhập khẩu 68 tấn chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi những năm qua. Hôm nay, tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ, để tẩm ướp rau quả đem ra thị trường. Vì quê hương đất nước, đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt” - ĐB Đỗ Văn Đương nói.

Cũng chung mối quan tâm, đi sâu phân tích về vấn đề này, ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cho hay: Qua kết quả kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 9 tháng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Sabutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt có dư lượng quá chất kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vượt mức giới hạn cho phép... Theo quy định, mức phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với hộ gia đình và phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với quy mô trang trại. Bà Khanh cho rằng, như vậy mức xử phạt với trường hợp vi phạm 1 con cũng như hành vi sử dụng chất cấm trong 50 con, còn 500 con thì cũng xử phạt giống như 1.000 con. 

“Với mức xử phạt như vậy thì rất nhẹ, không đủ sức răn đe, người ta vẫn cố tình vi phạm vì lợi nhuận họ thu được cao hơn rất nhiều lần so với số tiền phải bỏ ra nộp phạt” - ĐB Phương Khanh nói.

Phát triển nông nghiệp cần 5 nhà

Đề xuất để giải pháp cho phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Cần ban hành chính sách có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là hỗ trợ nông nghiệp ở khâu chế biến; tạo được sự liên kết thực chất, chặt chẽ giữa 4 nhà, giải quyết tốt vấn đề giá nông sản, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi để không bị ép giá; tổ chức tốt thị trường nông sản nội địa.

Nhắc lại gợi ý của Chủ tịch Quốc hội ở kỳ họp thứ 9, để liên kết 4 nhà phát huy hiệu quả cần có thêm nhà tài chính, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích: Nhà tài chính tham gia sẽ cung cấp vốn trong dài hạn để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam.

“Đây là người thứ ba đảm bảo được liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, bên cạnh Nhà nước và nhà khoa học. Nhà tài chính có đủ năng lực tài chính để bảo lãnh doanh nghiệp thực hiện cam kết thu mua sản phẩm của nông dân khi giá tăng, và nhà tài chính cũng có điều kiện ràng buộc để nông dân đảm bảo sẽ cung cấp sản  phẩm cho doanh nghiệp, không phụ thuộc vào giá cả thị trường biến động” - ĐB Cảnh nói.

Cũng về vấn đề chính sách với nông nghiệp, ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nêu vấn đề, Chính phủ cần rà soát, bổ sung để có cơ chế chính sách đủ mạnh, thu hút doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là về thuế, cấp đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính...

Ở góc nhìn khác, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, về sản xuất nông nghiệp, chúng ta còn rất nhiều giống lúa, hiện nay chúng ta chưa có một giống lúa chất lượng cao thương hiệu của Việt Nam để ra thị trường trong nước cũng như quốc tế. “Một xã, một thôn hiện nay chúng ta còn rất nhiều giống lúa, đây cũng là vấn đề khó khăn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa" - ĐB Duyền nói. 

ĐB Nguyễn Văn Cảnh nói:"Nhà tài chính có đủ năng lực tài chính để bảo lãnh doanh nghiệp thực hiện cam kết thu mua sản phẩm của nông dân khi giá tăng, và nhà tài chính cũng có điều kiện ràng buộc để nông dân đảm bảo sẽ cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp, không phụ thuộc vào giá cả thị trường biến động”. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh