Xét nghiệm SARS-CoV-2 qua nước bọt để tránh lây nhiễm cho y, bác sĩ
- Y học 360
- 21:37 - 15/04/2020
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, trước mắt, phương pháp thử này sẽ được áp dụng tại các bệnh viện và trung tâm y tế có hợp tác với Đại học Rutgers. Phòng thí nghiệm của trường có thể xử lý 10.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.
Tuy nhiên, FDA cũng cảnh báo rằng các bệnh nhân nhận được kết quả âm tính từ xét nghiệm này vẫn sẽ phải được xác nhận bằng kết quả của một phương pháp thử khác.
Với bộ xét nghiệm qua nước bọt, người cần xét nghiệm sẽ nhận một ống nhựa và tự nhổ nước bọt vào đó nhiều lần. Ống nhựa sẽ được chuyển lại cho nhân viên y tế để đưa vào xử lý trong phòng thí nghiệm.
Ông Andrew Brooks, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc phát triển công nghệ thuộc Phòng thí nghiệm sinh học RUCDR của Đại học Rutgers, cho biết giải pháp này cũng sẽ giúp cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tránh nguy cơ bị lây nhiễm khi thực hiện việc lấy mẫu từ vòm họng.
Cho tới nay, việc tiến hành xét nghiệm được thực hiện thông qua lấy gạc mũi hoặc hầu họng. Theo cách này, nhân viên y tế phải tiến hành lấy mẫu. Nhiều điểm bệnh viện có yêu cầu gắt gao thường buộc nhân viên phải thay khẩu trang và găng tay mỗi khi lấy mẫu và điều đó khiến hao hụt vật dụng bảo hộ nhanh chóng lẫn gây tốn kém thời gian theo quy trình.
Đại học Rutgers đã thử nghiệm xét nghiệm của mình trên 60 người bệnh, đối chiếu với phương pháp đang hiện hành khác và cho kết quả giống nhau.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hơn nửa số nhân viên y tế Mỹ mắc COVID-19 là do tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đồng nghiệp tại nơi làm việc. Phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tốt hơn những y bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch. (Thông tin trên báo Tuổi trẻ).
Hộp COVID bảo vệ nhân viên y tế khi lấy mẫu dịch
Bộ Kinh tế số và Xã hội Thái Lan (DES) đang chuyển đổi các trạm điện thoại công cộng của Công ty viễn thông TOT thành những quầy xét nghiệm nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong các nhân viên y tế và giải quyết tình trạng thiếu hụt đồ bảo hộ y tế cá nhân (PPE).
Phó Chủ tịch TOT Morakot Thienmontree cho biết lô 50 quầy đầu tiên, có tên gọi là "hộp COVID", dự kiến sẽ được lắp đặt trong tháng này và triển khai tại các bệnh viện được chỉ định theo nhu cầu.
Theo thiết kế, hộp COVID sẽ có 2 lỗ hình tròn ở bên hông để các nhân viên y tế đưa tay ra ngoài lấy mẫu từ các bệnh nhân.
Bên trong hộp được lắp quạt áp lực dương có màng lọc để ngăn các giọt bắn lọt vào trong.
Khi làm việc, nhân viên y tế phải mặc quần áo bảo hộ và đeo khẩu trang ở bên trong hộp và phải đeo găng tay (dùng một lần) để lấy mẫu từ các bệnh nhân ở phía ngoài hộp.
Chi phí để làm một phòng như vậy chưa đến 1.000 baht (khoảng 30 USD).
Bước đầu, Bộ trưởng Kinh tế số và Xã hội Buddhipongse Punnakanta đã giao cho TOT làm 200 hộp COVID từ những trạm điện thoại.
Theo Phó Chủ tịch TOT Morakot, công ty viễn thông này có hàng nghìn trạm điện thoại lưu tại trụ sở cũng như ở các chi nhánh. TOT sẽ chọn những trạm còn tốt rồi sau đó làm sạch để thực hiện dự án hoán cải này.