Xem xét tăng lương cho người lao động, đảm bảo hơn nữa an sinh xã hội cho người có công
- Tây Y
- 19:54 - 05/11/2022
Cần thực hiện các biện pháp đảm bảo công ăn việc làm
Chiều 5/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giải trình thêm một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, lưu ý. Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta 10 tháng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Minh chứng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Thu ngân sách nhà nước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD. Trên 178 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3% so với cùng kỳ…
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả... Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế, mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững”, Thủ tướng nói.
Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nêu, chính sách về nhà ở xã hội được cử tri cả nước hết sức quan tâm, rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thiếu. Với các quy định hiện nay, người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng để tiếp cận nhà ở xã hội.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian tới, Chính phủ có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không?
Đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nhấn mạnh, các chính sách an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng; chi phí cho giáo dục, y tế là một gánh nặng với người nghèo và nhất là công nhân tại các khu công nghiệp.
Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp để giải quyết các vấn đề trên?
Làm rõ, về vấn đề tinh gọn bộ máy ở chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho biết, công việc ở cơ sở vốn đã nhiều sẽ càng nhiều hơn khi có dịch bệnh. Vì vậy, phải thực hiện tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, nhưng phải đảm bảo sát với tình hình thức tế.
Theo Thủ tướng, chính sách hiện nay được thiết kế cho toàn hệ thống, chưa đảm bảo được tính đặc thù của chính quyền cơ sở ở nông thôn. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, đảm bảo dung hòa giữa điểm chung, điểm riêng, đặc thù vùng miền trong công tác này.
Về chỉ số CPI, vừa qua Việt Nam kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, Thủ tướng cho biết, có hai nội hàm cần quan tâm trong kìm hãm lạm phát: "cầu kéo" giảm đi, "cung đẩy" phù hợp. Theo đó, cần tìm điểm cân bằng quan trọng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Về an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện các biện pháp đảm bảo công ăn việc làm, chế độ cho người có công, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau… đây là sự chung tay của cả hệ thống chính trị, có đóng góp lớn của đại biểu Quốc hội.
Thời gian sắp tới, cần xem xét những vấn đề bất cập như xây dựng căn hộ cho người có thu nhập thấp, tăng lương, phụ cấp cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người có công.
Còn tâm lý sợ trách nhiệm, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Đề cập đến giải ngân đầu tư công, Thủ tướng cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn ngân sách từ đầu năm đến 31/10/2022 đạt 297,8/580 nghìn tỷ đồng , đạt 51,34% kế hoạch, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021 (55,8%) nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối là 40,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 15,7% so với số giải ngân cùng kỳ năm 2021.
Nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu và mong muốn của cử tri khi số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282 nghìn tỷ đồng...
Theo Thủ tướng, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là công tác lập kế hoạch vốn, chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan, địa phương chưa sát với thực tế.
“Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa phát huy tốt vai trò người đứng đầu; có tâm lý sợ trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt; việc xử lý sai phạm chưa kịp thời, nghiêm minh...”, Thủ tướng chỉ ra.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù.
Kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.
Về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh chậm được khắc phục, Thủ tướng lưu ý, nguyên nhân chủ quan là do quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm còn vướng mắc; còn tâm lý sợ trách nhiệm; một số cán bộ chưa phù hợp chuyên môn; phân bổ cơ cấu thuốc đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương chưa hợp lý.
Để sớm khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp khẩn trương rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch…