THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 11:12

Ngành y tế phải xem bệnh nhân là trung tâm

 

Sáng 14/4, tại TP Vũng Tàu ( BR - VT), Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị thông tin về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đại diện Bộ y tế cho biết, hiện nay một số giá dịch vụ y tế chỉ được tính 3 trong số 7 yếu tố chi phí trực tiếp. Vì lý do trên, nghị định 16/2015/NĐ-CP ra đời ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, trong đó nêu rõ lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, gồm 3 giai đoạn:

Đến năm 2016, sẽ tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp.

Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý.

 Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản.

Như vậy ở giai đoạn cuối 2020, việc tính đúng tính đủ mới được thực hiện một cách hoàn chỉnh.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), khi điều chỉnh giá dịch vụ, một số hạng mục sẽ được BHYT đưa vào thanh toán (thay vì không được như trước đây), chính vì vậy mà người tham gia BHYT sẽ có lợi vì được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn.  

Ông Nguyễn Nam Liên thông tin về lộ trình BHYT toàn dân

 Đối với cơ sở y tế, việc điều chỉnh chi phí dịch vụ tạo điều kiện cho các đơn vị có thêm nguồn thu để mua thêm các loại thuốc vật tư, hóa chất, trang bị các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, hướng đến xây dựng niềm tin, thu hút người người dân đến khám và chữa bệnh.

Về mặt quản lý Nhà nước, tính đúng tính đủ nhằm giảm bớt việc bao cấp tràn lan trong công tác khám chữa bệnh, từ đó tập trung ngân sách cho các đối tượng cần được quan tâm như: người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo.

Cũng trong hội nghị, vấn đề chất lượng khám chữa bệnh cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Giải quyết bức xúc trên, PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ luôn sát sao trong việc chỉ đạo các cơ sở y tế phải thay đổi mới tư duy, xem người bệnh  là trung tâm, từ đó xây dựng lối hành xử thân thiện, xem sự hài lòng của bệnh nhân là thước đo để đánh giá uy tín đơn vị. Ngoài ra, Bộ còn xây dựng đề án giảm tải tại các bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 và được thủ tướng phê duyệt.

PGS - TS Lương Ngọc Khuê trình bày giải pháp nâng cao chất lượng KCB

“Đến nay đề án đã phát huy tác dụng, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước  có 23/38 bệnh viện tuyến TW và 18 bệnh viện tuyến cuối thuộc Sở Y tế TP. HCM ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thời gian và lưu lượng người khám bệnh cũng giảm đáng kể…”, PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Đào Hùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh