THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:21

Xế hộp giá rẻ ồ ạt đổ bộ; hàng nghìn xe Nga được "biệt đãi" vào Việt Nam

Ô tô giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ riêng nửa đầu tháng 3/2019, lượng xe con dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam đạt hơn 3.880 chiếc, tăng so với cùng kỳ tháng 2/2019.

 

Trong 15 ngày đầu của tháng 3/2019, lượng xe nhập vào Việt Nam đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước

So với cùng kỳ năm trước 2018, 15 ngày đầu của tháng 3/2019, lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam tăng hơn 1.500 chiếc, ước khoảng 66%.

Tổng lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam tính đến hết ngày 15/3 đạt hơn 22.104 chiếc, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng cao điểm nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam.

Về mức giá, theo công bố của Tổng cục Hải quan, giá nhập xe tháng 3 ước đạt hơn 412 triệu đồng/chiếc, thấp hơn so với giá bình quân xe nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm đến nay (hơn 461 triệu đồng/chiếc).

So với mức giá nhập xe hơi năm 2018, giá xe nhập đã rẻ hơn nhiều. Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 3/2018, giá bình quân xe nhập đạt hơn 501 triệu đồng; mức giá bình quân các loại xe nhập 3 tháng năm 2018 cũng đạt trên 509 triệu đồng/chiếc.

Lượng xe nhập tăng mạnh, giá rẻ đi, đây là điều dễ nhận thấy ở thị trường xe hơi Việt Nam khi hầu hết xe nhập là các dòng xe nhỏ, giá rẻ. Hiện nay, Honda đã bắt đầu nhập khẩu hàng loạt dòng xe nhỏ giá rẻ Brio, trong khi đó Toyota tăng cường nhập các loại xe giá rẻ như Wigo, Mitsubishi nhập khẩu các dòng xe nhỏ, giá rẻ như Mirage, Attrage hay hiện tượng xe MPV giá rẻ Xpander...

 

Bộ Công Thương "bật đèn xanh" cho xe không thuế từ Nga

Thực hiện Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước Nga và Việt Nam, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi quy định nhập hạn ngạch (không thuế) đối với xe ô tô nguyên chiếc và bộ linh kiện xe hơi.

 

 

Xe Nga được bật đèn xanh vào Việt Nam theo diện miễn thuế

Theo đó, năm 2019, sẽ có hơn 850 chiếc xe Nga không thuế vào Việt Nam, năm 2020 sẽ có thêm hơn 900 chiếc nữa, nâng tổng lượng xe Nga vào nước ta từ nay đến năm 2020 là 1.750 chiếc. Tổng lượng xe không thuế của Nga vào Việt Nam từ năm 2016 đến 2020 là hơn 4.300 chiếc.

Cùng với đó là hơn 16.000 bộ linh kiện các loại sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ liên doanh sản xuất xe ô tô tải, bán tải, xe con tại Việt Nam như cam kết giữa Chính phủ hai nước.

Tuy nhiên, các dòng xe con dưới 9 chỗ ngồi của Nga vào Việt Nam chưa thực sự có thị trường rộng rãi, chủ yếu phục vụ giới chơi xe địa hình, người đam mê xe Nga.

Bên cạnh đó, các dòng xe bán tải, xe chuyên dụng, xe tải của Nga tại Việt Nam chủ yếu phục vụ trong lực lượng an ninh, phòng cháy chữa cháy và vận tải. Tuy nhiên, hiện xe tải Nga nếu hợp tác sản xuất tại Việt Nam cũng sẽ đối mặt cạnh tranh gay gắt từ các dòng xe lắp ráp, sản xuất trong nước như Hino của Nhật, Hyundai của Hàn Quốc hay Thaco, Kia...

 

Tỷ lệ nội địa hóa "đì đẹt" khi xe hơi được bán ra tăng mạnh

Mặc dù tiêu thụ xe hơi tại Việt Nam đã tăng mạnh qua các năm, nhưng không hẳn các mẫu xe nào cũng có doanh số bán cao. Hiện nay, thị trường xe hơi Việt Nam chỉ có khoảng 9 mẫu xe thuộc các mẫu xe khác nhau có doanh số bán trên 10.000 chiếc/năm, đủ điều kiện sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam.

 

 

Tỷ lệ nội địa hóa xe hơi tại Việt Nam vẫn đơn giản chỉ là ốc vít, săm lốp và lắp ráp xe

 

Các mẫu xe có doanh số bán cao nhất thuộc về Vios, Hyundai i10, Kia Morning, Innova, Mazda 3, Mazda CX5, Hyundai Accent, Honda City hay Kia Cerato...

Thực tế, nếu với tốc độ tiêu thụ tăng cao và duy trì liên tục ngưỡng 10.000 chiếc/năm, các mẫu xe này có năng lực tiêu thụ trung bình từ 27 - 30 xe/ngày, thậm chí với trường hợp 20.000/chiếc năm, lượng tiêu thụ là hơn 50 chiếc/ngày.

Với doanh số bán trên 10.000 chiếc/năm, các hãng xe tại Việt hoàn toàn có thị trường, có thị phần và có lãi để duy trì công suất lắp ráp hoặc đầu tư mở rộng sản lượng xe, tiến hành nội địa hóa xe hơi.

Trong khi đó, với sản lượng xe ở ngưỡng cho phép sản xuất trong nước là 2.000 xe/năm, mỗi ngày một mẫu xe chỉ bán được hơn 5 chiếc ra thị trường, chưa đủ sức hút để doanh nghiệp tăng nội địa hóa.

Theo các chuyên gia về xe, hiện trung bình 1.000 dân Việt Nam mới có hơn 20 chiếc xe hơi. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia.

Theo đó, tổng lượng tiêu thụ xe hơi của Việt Nam năm 2018 ghi nhận con số gần 300.000 xe/năm, mức tăng khá mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, vẫn chưa ăn nhằm gì so với Thái Lan trên 2,1 triệu chiếc và Malaysia là trên 590.000 chiếc xe/năm

Hiện hầu hết các hãng xe tại Việt Nam không công bố tỷ lệ nội địa hóa, thông tin nội địa hóa xe hơi, thông tin sơ lược trên báo chí hiện tỷ lệ nội địa hóa trung bình của các hãng xe lắp ráp tại Việt Nam chỉ từ 15 - 17%, duy nhất mẫu xe Innova có tỷ lệ nội địa hóa cao là 37%.

Và thực tế, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay không được xem là tiêu chí quan trọng và bắt buộc đối với các hãng xe nên thông số này thường bị các doanh nghiệp phớt lờ, thậm chí nhiều hãng xe tuyên bố xe lắp ráp được nhập khẩu 100% linh kiện từ nước ngoài như trường hợp mẫu SantaFe của Hyundai Thành Công.

Nhiều chuyên gia về xe hơi thừa nhận, thị hiếu "sính ngoại" của người dùng ô tô và xã hội Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp không dám công bố tỷ lệ nội địa hóa xe hơi vì vẫn có nhiều người nghĩ xe nội địa hóa sẽ không đạt chuẩn.

Hãng xe vớ bẫm vì chiều khách Việt

Không phải là các thương hiệu xe lớn thế giới mà chính là các dòng xe đánh đúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng mới đang "ăn lên, làm ra" ở thị trường Việt Nam.

 

 

Nhiều dòng xe mới, lạ với cách tân đang tiêu thụ tốt tại Việt Nam

 

 

Theo thống kê của VAMA - Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam, năm 2018, 6 dòng xe bán chạy đầu bảng với doanh số trên 10.000 chiếc lần lượt thuộc về Sedan, SUV, MPV, Crossover, Hatchback và Pickup. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là lượng tiêu thụ của ba dòng xe Sedan, SUV và MPV vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, cho dù mức giá không hề rẻ.

Sedan là dòng xe truyền thống, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng nên không khó hiểu khi dòng xe này có doanh số đạt gần 99.000 chiếc.

Mẫu xe đa dụng SUV cũng có doanh số khá cao gần 35.600 chiếc. Kết quả này có được là do dòng xe này đã đa dạng phân khúc khi đưa vào Việt Nam nhiều mẫu SUV đô thị cỡ nhỏ, phù hợp với người tiêu dùng và không gian đô thị Việt Nam.

Dòng xe đa dụng cỡ lớn MPV có doanh số bán tốt, năm 2018 đạt lượng tiêu thụ hơn 20.300 chiếc.

Năm qua, mặc dù các hãng xe Việt, xe nhập khẩu ồ ạt tung các mẫu xe nhỏ, giá rẻ thuộc dòng hatchback ra thị trường song mức tăng của dòng xe này không nhiều. Năm 2017, tiêu thụ dòng xe cỡ nhỏ chỉ đạt 11.000 chiếc, năm 2018, tăng lên 13.000 chiếc.

Trong khi đó, dù giá bán cao hơn, đối tượng khách hàng kén chọn hơn nhưng các dòng xe sedan, SUV và MPV vẫn có doanh số tăng mạnh hơn nhiều so với hatchback giá rẻ. Cụ thể, so với năm 2017, doanh số xe sedan bán ra năm 2018 tăng hơn 27.000 chiếc, SUV tăng hơn 4.500 chiếc và MPV tăng hơn 5.000 chiếc.

Xe nhỏ, giá rẻ tiếp tục giảm giá năm 2019?

Doanh số bán tăng cao, đa dạng về nguồn cung từ các liên doanh lắp ráp trong nước cho đến các nhà nhập khẩu, các dòng xe nhỏ, giá rẻ được dự đoán sẽ có một ăn 2019 ăn lên, làm ra. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng đang rất kỳ vọng là giá dòng "xe cỏ" này liệu có giảm thêm nữa hay không thì vẫn chưa rõ.

 

 

Nguồn cung nhiều, tiêu thụ tốt, nhưng nhiều khả năng năm 2019 các dòng xe giá rẻ sẽ không giảm giá

 

 

Theo số liệu của VAMA, năm 2018 thị trường xe dưới 9 chỗ ngồi Việt Nam tiêu thụ đạt hơn 200.000 xe, tăng hơn 2.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dòng xe sedan được tiêu thụ với số lượng lớn khi đạt gần 98.900 chiếc, tăng hơn 26.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2017.

Các mẫu xe Vios, Kia Morning, Hyundai i10, Mazda 2, Mazda 3, Honda City, Toyota Wigo, Kia Cerato, Mitsubishi Mirage, Attrage... được ưa chuộng nhất và luôn có sự cạnh tranh quyết liệt với nhau từng giá.

Nhờ doanh số tốt nên mức giá của các dòng xe nhỏ luôn được duy trì ổn định, rất khó để dòng xe nhỏ, giá rẻ khuyến mại sâu, đại hạ giá, chỉ ngoại trừ thương hiệu ế khách.

Về mặt lợi nhuận, hiện các dòng xe nhỏ, giá rẻ sedan và hatchback đều được lắp ráp tại Việt Nam hoặc nhập khẩu. Các dòng xe này không quá cầu kỳ về nội thất, tiêu chuẩn và ít đa phương tiện nên các hãng trong nước cũng dễ dàng lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa cao hơn và cũng kiếm lợi nhuận từ đây tốt hơn.

Theo một đại lý xe hơi ở Cầu Giấy, thị trường xe nhỏ hiện có giá phải chăng nên đại hạ giá sẽ khó xảy ra. Cạnh tranh cũng sẽ chỉ khiến giá dòng xe này giảm đôi chút, các hãng, doanh nghiệp nhập xe sẽ tập trung làm thị trường, phân phối các dòng xe nhỏ, giá rẻ tại các tỉnh, địa phương để tranh thủ lượng khách hàng đang có nhu cầu cao ở đây.

Bộ Tài chính xin "biệt đãi" xe điện nội địa

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ bổ sung danh mục linh kiện của ô tô điện, hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học vào biểu thuế ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện xe ô tô tại Việt Nam.

 

 

Bộ Tài chính xin bổ sung danh sách ưu đãi thuế nhập linh kiện cho các dòng xe sử dụng động cơ điện, khí nén...

 

 

Trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến để bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chỉ áp dụng cho các loại xe chạy xăng/dầu (gồm xe dưới 9 chỗ, dung tích xylanh từ 2.5L trở xuống, xe mini buýt, xe buýt/xe khách, xe tải), chưa áp dụng đối với xe thân thiện môi trường như xe chạy điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe hybrid.

Trong chính sách của Nhà nước, hiện xe thân thiện môi trường chỉ được hưởng ưu đãi thuế Tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi thực hiện, nhiều chính sách đã bộc lộ hạn chế, cần thay đổi và bổ sung, sửa đổi.

Đơn cử, biểu ưu đãi thuế quan với linh kiện ô tô chạy điện mới chỉ tập trung vào ưu đãi xe tiết kiệm nhiên liệu, trong đó chủ yếu tập trung vào xe lai điện - xăng (hybrid).

Bên cạnh đó, mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện dành cho xe điện bằng 70% mức thuế của xe cùng loại, điều này được cho là chưa khuyến khích cho sản xuất, tiêu thụ xe điện tại Việt Nam.

Hiện xu hướng xe điện không còn là của tương lai mà hiện hữu ngay tại thị trường các nước trên thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước EU đang phát triển ồ ạt các dòng xe điện, xe chạy nhiên liệu sinh học, thân thiện môi trường.

Riêng Trung Quốc, nước này đang được xem là công xưởng của xe điện thế giới khi tề tựu nhiều hãng xe điện lớn của thế giới như Tesla hay các hãng xe có mục tiêu phát triển động cơ điện như Volvo, Audi, Volkwagen... cùng hàng loạt hãng xe nội của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, hiện đã có một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô du lịch, xe bus sử dụng động cơ điện, khí sinh học. Đặc biệt, sắp tới một số nhà sản xuất, lắp ráp xe điện sẽ đầu tư vào ô tô như kế hoạch của VinFast sản xuất xe điện.

Chính vì vậy, theo Bộ Tài chính, sửa đổi Chương trình ưu đãi thuế với linh kiện nhập khẩu dành cho xe điện để bổ sung các chủng loại xe ô tô thân thiện môi trường vào đối tượng áp dụng ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô.

Động thái này nhằm góp phần khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc sửa đổi một số quy định về thủ tục thực hiện Chương trình ưu đãi để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh