Xe container kéo sập dầm cầu bộ hành: ai chịu trách nhiệm?
- Tây Y
- 21:25 - 17/11/2019
Theo báo cáo của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, vào khoảng 2h sáng ngày 13/11, trên địa bàn quận Thủ Đức có xảy ra sự cố về một xe container lưu thông hướng từ Biên Hòa vào TP. Hồ Chí Minh va vào dầm cầu bộ hành số 1, tại nhịp số 1, làm 1 dầm cầu rơi xuống đè nát thùng container. Tai nạn không có thiệt hại về người.
Vụ tai nạn làm hư hỏng 1 dầm cầu và 1 thùng container 40 feet bị biến dạng. Sau khi xảy ra sự cố tại khu vực thi công, Công ty Cổ phần Đầu tư Xa lộ Hà Nội đã tiến hành ngưng thi công, phong tỏa hiện trường, thông báo cho cơ quan thẩm quyền, chủ đầu tư, tư vấn giám sát. Hiện do tính chất nghiêm trọng sự việc, cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra.
Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của 2 hạng mục công trình Cầu đi bộ và Đường song hành, qua kiểm tra sơ bộ của cơ quan chức năng thì cao độ của mặt đường song hành, cao độ mố, trụ cầu bộ hành tại nhịp đang xảy ra sự cố là: Theo yêu cầu thiết kR tĩnh không là (12x 4.75 m (khoảng cách từ mặt đường đến đáy dầm là 4,75m). Nhưng thực tế qua đo đạc kiểm tra cho thấy khoảng cách từ mặt đường đến đáy dầm chỉ 4,55m.
Để biết trách nhiệm liên quan thuộc về cơ quan tổ chức nào Phóng viên Báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh) đã phỏng vấn một chuyên gia (giấu tên) có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực giao thông, vị này phân tích:
Thứ nhất: thiết kế mặt đường song hành hướng lên dốc, trong khi tư vấn thiết kế dầm cầu chui dưới đường trên cao Metro kiểu sàn ngang, còn đường không phẳng mà lên dốc, nghĩa là không thay đổi cao độ cầu theo đường dốc. Vì thiết kế dầm cầu đi bộ không cho cao đều song song theo đường mà san ngang cao độ. Lý do này làm mất đi 16cm tĩnh không, vì độ dốc của đường là 1,78 độ (tương đương độ dốc gần 4%).
Về quy trình: Tư vấn thiết kế Thiết kế làm tờ trình trình sở GTVT TPHCM, chủ đầu tư, Sở GTVT TPHCM khi thẩm định có lẽ đã bỏ sót vấn đề này nên thông qua cho nhà thầu thực hiện, nhà thầu triển khai theo đúng thiết kế và biện pháp thi công, đảm bảo ATGt được phê duyệt.
Thứ 2: Đường song hành dưới cầu đi bộ thuộc dự án khác tách rời khỏi hạng mục cầu bộ hành phía trên, do Khu QLĐT số 2 quản lý (nay là ban BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP), nhà thầu thi công do Công ty cổ phần Thăng Long 17 Xây lắp triển khai thi công. Thời điểm hiện tại cao độ mặt đường song hành tại gầm cầu đi bộ cao hơn thiết kế đến 13cm. Như vậy mặt đường bị đôn cao thêm 13cm, còn tĩnh không cầu lùn đi 16cm. Do vậy tĩnh không thực tế đã mất đi 29cm (13cm +16cm) và còn lại là 4,55m. Trách nhiệm này cần được xem xét trước tiên ở chủ đầu tư, và đơn vị kiểm tra cuối cùng khâu thiết kế.
Thứ ba: Cơ quan đăng kiểm xác nhận xe container có thiết kế chiều cao tối đa chỉ 4,3m nếu đối chiếu với tĩnh không cầu thực tế là 4,55m thì cũng không xảy ra tai nạn nói trên. Tuy nhiên xe container gây ra sự cố đo đạc tại hiện trường có chiều cao 4,59m, nghĩa là cao hơn thiết kế cho phép 29cm. Cao hơn tĩnh không hiện tại của cầu 35cm, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn va đâm rơi dầm cầu.
Về trách nhiệm thật sự cơ quan chức năng sẽ xem xét, riêng về giải pháp thì chuyên gia nhận định không phức tạp lắm: về mặt đường cho cào bóc trả lại cao độ 13cm bị tôn cao so với thiết kế, còn với dầm cũ bị rơi sẽ không sử dụng lại vì khả năng chịu lực giảm sút, nâng kê gối cầu cao thêm độ cao thì cotainer đi dưới vẫn còn thoải mái.
Với hạng mục cầu vượt bộ hàng nói trên là dạng hợp đồng điểu chỉnh giá, thời gian kéo dài là điểm bất lợi cho đơn vị thi công, vấn đề bảo hiểm công trình với bên thứ 3 sẽ như thế nào cần được mổ xẻ thêm để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai.