Xây dựng văn hóa uống và uống có trách nhiệm
- Y học 360
- 10:32 - 30/06/2023
Tại Hội thảo “Văn hoá uống và trách nhiệm với cộng đồng” diễn ra ngày 29/6 do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam và Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho biết, đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng truyền thống văn hóa. Việc tổ chức hội thảo cũng là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm của ngành đồ uống với xã hội. Tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt, nhấn mạnh: từ khi đổi mới và hội nhập, kinh tế tăng trưởng, ngành đồ uống phát triển mạnh, với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào tăng giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội. Ngành tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đóng góp khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ. Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế (2022-2023), ngành đồ uống là một nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống).
Theo ông Việt, uống có văn hóa, có trách nhiệm là có trách nhiệm với chính bản thân người uống, với gia đình, xã hội và với luật pháp. Cả xã hội cần phải thực thi việc uống có trách nhiệm để tránh những hệ lụy xấu. Do đó, trong chính sách phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn cần thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông (các hình thức xử phạt, luật giao thông đường bộ…).
Nhà sử hoc Dương Trung Quốc cho biết, 19 năm ông làm đại biểu Quốc hội, vấn đề rượu bia đã được bàn thảo rất nhiều và rất quyết liệt. 4 năm trước Quốc hội thông qua qua Luật phòng chống tác hại cuả rượu bia, sau khi thông qua Luật đã có những tác dụng rất tích cực, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông.
Theo ông Dương Trung Quốc, thời đại nào thì vấn đề uống cũng rất quan trọng. Uống không chỉ là vấn đề dinh dưỡng mà còn là văn hóa. Rượu là một phần của đời sống, nhu cầu của con người.
“Tết đến mọi người có đặt chén rượu lên bàn thờ cúng tổ tiên không? Gặp bạn bè có nâng cốc chúc mừng không? Rượu bia không gây tác hại mà là do người uống. Do đó, theo tôi vấn đề ở đây là cần kiểm soát và chống lạm dụng rượu bia. nhằm nâng cao văn hóa uống, góp phần thay đổi hành vi của người dân, chấp hành tốt quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, hạn chế được tình trạng tai nạn giao thông và các hệ lụy trong gia đình, xã hội.”- ông Dương Trung Quốc nói.
Cũng liên quan đến vấn đề văn hóa uống, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kể lại “Một lần, khi tôi đang tiếp khách quốc tế thì đột nhiên có tiếng "dô dô" rất lớn ở bàn bên cạnh. Những vị khách quốc tế giật mình, họ hỏi tôi: có báo cháy à hay đánh nhau? Liệu uống như vậy có văn hóa không?”. Ông Hồ Quang Lợi đặt câu hỏi và nhấn mạnh vài trò của báo chí và truyền thông trong xây dựng văn hóa uống, không chỉ rượu bia mà còn cả cà phê, chè, nước giải khát. Đây là ngành kinh tế có đóng góp lớn cho ngân sách và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Do đó, cần chấn chỉnh những quan niệm sai lầm về đồ uống, góp phần xây dựng thương hiệu của ngành đồ uống để sản phẩm đồ uống Việt Nam đứng vững tại thị trường trong nước .
“Bia rượu có thể hoà giải nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ẩu đả, gây tai nạn giao thông, do đó cần xây dựng văn hoá uống và uống có trách nhiệm, đồng thời, kiểm soát chất lượng bia rượu. Báo chí cần nâng cao hơn nữa tính phản biện, góp phần xây dựng cơ chế chính sách để phát triển và quản lý ngành bia rượu và đồ uống Việt Nam”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.