Xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh
- Tây Y
- 23:27 - 27/10/2020
Là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá
Thành phố Thanh Hóa có vai trò, vị trí quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực đầu tư của tỉnh Thanh Hoá sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, thành phố Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng.
Nổi bật là tình hình chính trị ổn định, nhân dân đồng thuận, kinh tế - xã hội phát triển, có 31/32 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, mở rộng và có tính kết nối cao; nhiều dự án lớn làm thay đổi bộ mặt thành phố được triển khai và đi vào hoạt động; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và thành lập 10 phường trên cơ sở 10 xã hiện có, đưa tỷ lệ đô thị hoá đạt 96,3%.
Trong bài tham luận, Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá Trịnh Huy Triều cho biết: "Trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 43,75% của cả tỉnh; tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016-2020 ước đạt 143.000 tỷ đồng, chiếm 23,44%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4%; thành lập mới 6.200 doanh nghiệp, chiếm 44% của cả tỉnh; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp 1,69 lần trung bình cả tỉnh; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVIII.
Tuy nhiên, kinh tế thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Vai trò là trung tâm, là động lực lan toả của thành phố đối với sự phát triển của cả tỉnh chưa rõ nét. Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản; thì đối với thành phố Thanh Hóa ngoài khó khăn thách thức chung của cả tỉnh; còn có những khó khăn, thách thức riêng đó là: Là 1 trong những đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số, diện tích lớn nhất cả nước; tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, như về áp lực quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... các dịch vụ cho người dân và xã hội.
Sớm xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, với mạng internet và viễn thông phát triển mạnh mẽ, với những công nghệ nổi bật như in 3D, Thực tế ảo, Điện toán đám mây, Robot, Big data, Block Chain, Trí tuệ nhân tạo thì xu thế xây dựng và phát triển thành phố thông minh là tất yếu. Để giải quyết các khó khăn, thách thức đối với thành phố Thanh Hoá trước mắt và lâu dài; xứng đáng với vai trò là một cực tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị; đồng thời phù hợp với xu thế thời đại và tình hình mới thì yêu cầu xây dựng thành phố Thanh Hóa thông minh là hết sức cần thiết. Thành phố thông minh là giải pháp quan trọng để thành phố giải quyết các khó khăn, thách thức, bứt phá lên một tầm cao mới, nâng cao tính cạnh tranh của thành phố; giúp thành phố tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên; sẽ làm cho chất lượng sống của người dân được nâng cao, các dịch vụ được tối ưu hóa, môi trường sống trong sạch; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian trong sử dụng các dịch vụ xã hội; an ninh, trật tự được đảm bảo và tăng cường, thành phố thông minh sẽ đưa thành phố phát triển bền vững.
Thành phố Thanh Hoá là địa phương có những lợi thế so sánh để xây dựng Đô thị thông minh đó là: Hạ tầng CNTT viễn thông tương đối hoàn chỉnh; Trình độ dân trí cao, trên 70% dân số sử dụng Internet; Các thiết bị thông minh được sử dụng rộng rãi; chương trình xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ và có chất lượng; công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ và tích cực như: Dịch vụ hành chính công, phần mềm tương tác trực tuyến tiếp nhận phản ánh kiến nghị trực tuyến của người dân; phòng họp không giấy tờ E-CabinNet, phòng họp trực tuyến; hệ thống camera giám sát tại các tuyến phố và khu dân cư, các phần mềm quản lý y tế, giáo dục, dân cư được áp dụng… Hiện nay các hệ thống này đang hoạt động và phát huy hiệu quả tích cực. Trên cơ sở đó, thành phố Thanh Hóa đang tiến hành xây dựng đề án Thành phố thông minh.
Để xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh thì cần có lộ trình, bước đi phù hợp; cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của thành phố. Bên cạnh việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 950 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030"; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tôi xin kiến nghị và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm đối với thành phố Thanh Hóa trong thời gian tới như sau:
Một là, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch chung thành phố Thanh Hóa đến năm 2040 phù hợp với phát triển đô thị thông minh; trong quy hoạch phải lưu ý việc kết nối với các vùng phụ cận và các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh; khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; cập nhật định hướng Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa. Đối với các đồ án Quy hoạch phân khu 1/2000 và QHCT 1/500 các khu đô thị mới, phải đáp ứng được các điều kiện để phát triển đô thị thông minh.
Hai là, xây dựng và ban hành "Đề án xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh"; mục tiêu của đề án là xây dựng được một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh; trong đó, cần xác định rõ các nội dung, thứ tự ưu tiên các công việc, các dự án cần làm; và theo tôi, trước hết là cần tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử; lựa chọn thực hiện một số nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố trên các lĩnh vực giao thông, môi trường, an ninh - trật tự, y tế, giáo dục, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để hình thành một bộ phận cư dân thông minh, tiến tới toàn dân thông minh, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói "Thành phố thông minh phải từ người dân". Tiến hành xây dựng trên thực tế một số khu đô thị thông minh như: Khu đô thị Hồ Thành, khu đô thị Hoằng Quang và Long Anh, khu đô thị trung tâm mới thành phố, khu đô thị sinh thái Hàm Rồng – Núi Đọ, khu đô thị Đông Nam thành phố,…
Ba là, các cấp có thẩm quyền cần ban hành thể chế, hệ thống các văn bản quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị thông minh phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, ban hành cơ chế chính sách và các hướng dẫn về xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững, nhằm tạo môi trường pháp lý và điều kiện hỗ trợ nguồn lực để phát triển đô thị thông minh.
Bốn là, tập trung hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Phấn đấu giai đoạn 2020- 2025, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành, trước mắt là cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai và các cơ sở dữ liệu cần thiết khác phục vụ công tác quản lý của thành phố; 100% thông tin dữ liệu đô thị được số hóa; hình thành hệ thống dữ liệu tích hợp, chia sẻ để cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao theo hướng tự động hoá nhiều tiện ích trong toàn bộ khu vực công. Thực hiện tốt việc thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của thành phố. Rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển chính quyền điện tử.
"Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, trong đó có mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hoá quyết tâm, đoàn kết, nhất trí, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh đứng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại" - Chủ tịch Trịnh Huy Triều nhấn mạnh.