Xây dựng những điển hình, nhân tố mới trong công tác thanh tra lao động
- Tây Y
- 02:39 - 04/07/2020
Trung bình mỗi năm thực hiện hơn 500 cuộc thanh tra chuyên ngành
Hội nghị Điển hình tiên tiến Thanh tra Bộ năm 2020 diễn ra trong không khí thi đua sôi nổi của cán bộ toàn ngành LĐ-TB&XH, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lần thứ X, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành LĐ-TB&XH và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020.
Tại Hội nghị, báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đã đạt được của phong trào thì đua yêu nước từ năm 2015 đến nay của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, bà Đàm Thị Minh Thu, Phó Chánh thanh tra Bộ cho biết, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ, Công đoàn cơ quan Bộ và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền Thanh tra, công tác thi đua của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã đi vào nề nếp, tạo không khí làm việc hăng say, đoàn kết trong công chức, người lao động. "Trong 5 năm qua, mặc dù số lượng biên chế giảm, yêu cầu công tác thanh tra đòi hỏi ngày càng cao, lại được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới nhưng tập thể công chức, nguời lao động Thanh tra đã liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều thành tích nổi bật: Hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, các cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước. Số lượng các cuộc thanh tra hành chính tăng qua hàng năm, tập trung vào các nội dung như: Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công tác quản lý tài chính, tài sản, công tác phòng chống tham nhũng, công tác đầu tư xây dựng cơ bản góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ".
Theo Phó Chánh Thanh tra Đàm Thị Minh Thu, số cuộc thanh tra chuyên ngành tăng mạnh so với giai đoạn 2010-2014, trung bình mỗi năm thực hiện hơn 500 cuộc thanh tra (năm 2014 thực hiện 354 cuộc thanh tra), hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
Nội dung thanh tra được triển khai trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành. Ngoài những lĩnh vực đã có bề dày hoạt động như thanh tra lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các lĩnh vực an sinh xã hội khác cũng được tập trung triển khai thanh tra.
Giữ đúng chuẩn mực trong thực thi nhiệm vụ
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả mà tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên, người lao động thuộc Thanh tra Bộ đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước. "5 năm vừa qua, Thanh tra Bộ đã tổ chức thực hiện các phong trào thi đua rất có ý nghĩa, rất thiết thực như phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành LĐ-TB&XH thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị", "Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở"; đặc biệt là phong trào 100% cán bộ, công chức đăng ký "tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị"- Thứ trưởng khẳng định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, những thành tựu quan trọng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, xử lý đơn thư, tiếp công dân, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Các hoạt động thanh tra vừa có trên diện rộng, vừa kịp thời thanh tra những vấn đề do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ đặt ra. Phát hiện, kiến nghị, đôn đốc xử lý sai phạm. Thứ trưởng cũng lưu ý, Thanh tra là tai mắt của trên, bạn của dưới, để cho lãnh đạo các đơn vị, cơ sở ở dưới thấy được những vấn đề làm chưa tốt điều chỉnh, thực hiện chỉnh sửa kịp thời. Thanh tra đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ. Chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, đồng thời giải quyết các vấn đề nóng, đột xuất khác, bức xúc đặt ra như gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (vừa kiểm tra, thanh tra), kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai ngay Nghị quyết giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em, về lĩnh vực an toàn lao động, người có công…
Để phong trào thi đua trở thành động lực phấn đấu của từng cán bộ, công chức từng thanh tra viên giai đoạn 2020 – 2025, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Thanh tra Bộ cần chú trọng một số nội dung:
Thứ nhất, Tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát động với tinh thần sâu rộng nhất;
Thứ hai, Thực hành tốt phương châm "Kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp", đẩy mạnh thi đua lao động sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, chấp hành tốt nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị
Thứ ba, Xây dựng các mô hình tốt, cách làm hay trong từng nội dung phong trào thi đua, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng;
Thứ tư, Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, cổ vũ những thành tích xuất sắc của các tập thể và cá nhân là điển hình tiên tiến trong giai đoạn 2015 – 2020 hôm nay, để các tập thể, cá nhân hôm nay đóng góp cho việc xây dựng đơn vị;
Thứ năm, Các cấp ủy, lãnh đạo các phòng phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở.