Lương thoả đáng cho cán bộ, công chức để chống tham nhũng
- Tây Y
- 22:09 - 02/12/2018
ảnh minh họa
Cụ thể, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị cần chú trọng và thực hiện chặt chẽ hơn công tác phòng ngừa tham nhũng, nhằm đảm bảo cho người có chức vụ, quyền hạn không muốn tham nhũng (do đảm bảo cuộc sống từ nguồn thu nhập chính đáng); không dám tham nhũng (do quy định xử phạt nghiêm) và không thể tham nhũng (do quy định pháp luật và quản lý chặt chẽ).
“Có như vậy mới đảm bảo xây dựng đựợc đội ngũ cán bộ có năng lực, tận tâm thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và hạn chế việc phải xử lý hàng loạt cán bộ cấp cao có vi phạm như thời gian qua”, cử tri tỉnh Quảng Ngãi nêu.
Cử tri tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh, hiệu quả lâu dài và đồng thời xây dựng hệ thống lương thỏa đáng cho các vị lãnh đạo cao cấp để hạn chế tình trạng tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, tận tâm thi hành công vụ, phục vụ nhân dân, “không muốn tham nhũng” thì điều kiện cần là phải xây dựng và thực hiện chế độ chính sách bảo đảm cuộc sống bình thường.
“Việc xây dựng hệ thống lương thoả đáng cho cán bộ, công chức, nhất là các vị trí lãnh đạo cao cấp cũng góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, do ngân sách hạn hẹp, việc tăng lương, thưởng và các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức gặp nhiều khó khăn nên cần phải có thời gian.
Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương triển khai xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới để áp dụng thống nhất từ năm 2021 theo đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 7 khoá 12, trong đó tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng thời, thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, việc xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng” được Chính phủ coi trọng và tập trung vào các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu nhằm ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp...
Cử tri tỉnh Bình Phước cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng tham nhũng là do công tác quản lý cán bộ chưa hiệu quả.
Cử tri đề nghị cần có những biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý cán bộ, tổ chức, sắp xếp cán bộ đủ trình độ, năng lực và đạo đức.
Thanh tra Chính phủ cho biết, về công tác cán bộ, Chính phủ đã tham mưu xây dựng các văn bản quan trọng, tập trung vào khắc phục những hạn chế, sơ hở để công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ ngày càng căn cơ hơn, nền nếp hơn, bài bản và hiệu quả hơn; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền.
Chính phủ đã và đang thực hiện 6 giải pháp khác liên quan đến công tác cán bộ như: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện phương châm cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung các các quy định pháp luật cho phù hợp, khắc phục những hạn chế trong tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.