CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt

Ông Nguyễn Bá Thanh khi còn làm Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, trong một cuộc nói chuyện với hơn 4.500 cán bộ của thành phố (được truyền hình trực tiếp) đã dành khá nhiều thời gian nói về công tác xây dựng Đảng trong nhiều nhiệm kỳ qua. Ông hệ thống lại quá trình Đảng ta tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm 1986 với Đại hội VI đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề ra chủ trương “Những việc cần làm ngay” và đã làm được một số việc, chấn chỉnh được nội bộ Đảng.

Đến Đại hội lần thứ VII với Tổng Bí thư Đỗ Mười, đã ra nghị quyết về xây dựng Đảng cũng rất quyết liệt và xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách. Đồng chí Đỗ Mười cũng xác định xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt.

Đến giữa nhiệm kỳ Đại hội VIII với Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta quyết tâm rất cao với nhiều giải pháp quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đến Đại hội IX và Đại hội X, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng ra Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Và rồi như chúng ta biết, kết quả cũng chưa được bao nhiêu, chưa đáp ứng được lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Quận ủy quận 12 tổ chức kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Như vậy, suốt 5 nhiệm kỳ, kéo dài 25 năm, vấn đề xây dựng và chấn chỉnh Đảng luôn được đề cập và hết sức quyết liệt. Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng với Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận: Công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức có quyền, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau của sự phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, cá nhân, ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, cản trở sự phát triển của đất nước.

Ngoài những yếu kém, tồn tại được nêu lên trong các nghị quyết về xây dựng Đảng những nhiệm kỳ qua, cũng có nhiều chuyển biến và bước tiến mới quan trọng hình thành từ lý luận đến thực tiễn được Đảng đúc kết. Đó là: 30 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao, các thế lực thù địch tiến công toàn diện vào Đảng, vào chế độ, Đảng ta luôn vững vàng, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; công tác xây dựng Đảng đã đạt được những thành tựu nhất định, vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững…

Đổi mới nội dung, mô hình, phương thức cầm quyền của Đảng

Đó là vấn đề rất hệ trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta trong tiến trình khẳng định vị trí cầm quyền, đưa đất nước ta tiến lên theo con đường XHCN. Trước tiên, theo nhiều nhà lý luận, để đổi mới từ nội dung, mô hình đến phương thức cầm quyền của Đảng ta trong xu thế hội nhập sâu với thế giới và những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế của những năm tới đặt ra, về lý luận phải làm rõ những khái niệm về đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mang đặc trưng của Việt Nam; nghiên cứu sâu hơn nữa lý luận về đảng cầm quyền, về tư duy công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới và thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương trong điều kiện đảng cầm quyền. Mặt khác, cũng cần nhận thức đầy đủ hơn về dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền và cụ thể hóa hơn nữa các quy định, đánh giá sự vững mạnh của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bởi trong xu thế hội nhập và phát triển của thế giới, khi vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam cũng phải tuân theo những quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay để vận hành mô hình và phương thức lãnh đạo, điều hành đất nước của một đảng cầm quyền.

Về phương thức lãnh đạo của Đảng, theo GS-TS Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phải khắc phục cho được sự trì trệ, chậm đổi mới hệ thống chính trị, chậm ban hành những quy định cụ thể về phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như các quy định bảo đảm thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Khắc phục cho được những yếu kém, tồn tại và bất cập nêu trên thì khi vận hành cơ chế lãnh đạo của một đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta mới không bị lúng túng, vận dụng sai so với đặc thù thực tế ở từng thời kỳ phát triển.

 

Đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng: Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần lưu ý phòng ngừa đối với đảng cầm quyền. Đây là nhiệm vụ, giải pháp mới.
(Nguồn: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng)
Công tác xây dựng Đảng được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có vị trí quan trọng trong điều kiện đảng cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong tình hình mới hiện nay, Đảng ta luôn khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng; Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Quá trình tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương thức lãnh đạo. 

 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh