CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:10

Xây dựng BHXH Việt Nam đa tầng, hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế

Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10

Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10

Chiều ngày 14/09/2023, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội…; Về phía các bộ, ngành có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… cùng đại diện các cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, phiên họp này được tổ chức để xem xét, thảo luận 10 nhóm nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách chuẩn bị cho các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Với dự án Luật BHXH (sửa đổi), theo bà Nguyễn Thúy Anh, đây là dự án luật thể chế hóa Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại phiên họp này, Ủy ban thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, việc quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2022.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp

Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, mục tiêu sửa đổi luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Về một số nội dung lớn của dự thảo luật, theo ông Hoan, Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Đối với nội dung về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hưởng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW: Điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan trình bày Tờ trình

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan trình bày Tờ trình

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.

“Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.

Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hưởng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH".

Theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH.

"Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm", ông Hoan nói.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Luật phải vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa có tính dự báo cao

Thay mặt Ủy ban nêu một số vấn đề lớn về Dự thảo luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự án luật cơ bản đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, tiếp cận kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế; Hồ sơ dự án luật đảm bảo đủ các thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, về việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trên cơ sở thống nhất sự cần thiết quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mà Chính phủ trình.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng trợ cấp hưu trí xã hội thực chất là chế độ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, dành cho những người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, chưa phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm, nên không cần thiết bổ sung nội dung này vào dự án luật, mà cần sửa quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan nêu rõ: “Dự án Luật BHXH là một Dự án luật khó, tác động đến quyền lợi trực tiếp của người dân. Do đó, trong lần điều chỉnh này cần quan tâm đến 2 vấn đề chính đó là tăng độ bao phủ và các nhóm đối tượng để làm sao cho người dân có thời gian đóng BHXH ít cũng tham gia hệ thống an sinh được.

Đồng thời, Chính phủ cần tính toán mức hưởng của những người đóng ít thời gian có đảm bảo an sinh không? Trợ cấp hưu trí xã hội liên quan đến mức sống tối thiểu, hưu trí xã hội có được tính trên nền sàn an sinh gắn tối thiểu không?”.

Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch tham gia thảo luận

Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch tham gia thảo luận

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, với các nước khác, BHXH tuyệt đối thực hiện theo nguyên tắc đóng- hưởng. Nhưng ở Việt Nam trước đây và bây giờ đang thực hiện BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng có sự chia sẻ. Và “câu chuyện” về chia sẻ sẽ giảm dần, yếu tố đóng hưởng sẽ tăng lên. Việt Nam thực hiện theo 2 nguyên tắc trên vì chính sách BHXH được thực hiện đan xen với các chính sách kinh tế khác như: dân tộc miền núi, bình đẳng giới, người có công… song về lâu dài phải tách bạch rõ hơn.

“Liên quan đến khu vực miền núi, thực tiễn thực hiện chính sách BHXH, ngành BHXH cùng cấp ủy chính quyền các địa phương đã huy động nguồn hỗ trợ tặng sổ BHXH cho người dân. Tuy nhiên, sau mấy năm tặng sổ BHXH tổng kết lại, cơ bản sau tặng xong người dân… cất vào tủ, họ không có nguồn lực để đóng BHXH tiếp. Chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, phần còn lại người dân phải bỏ tiền ra, song kể cả hỗ trợ đến 50- 60% thì cũng khó duy trì tiếp được”, ông Sơn phân tích.

Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sửa Luật BHXH bám vào định hướng chính trị với 11 nhóm cải cách chính sách BHXH với mục tiêu xây dựng BHXH Việt Nam đa tầng, hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Có những nhóm chính sách đã thể chế như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; các gói chính sách; giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền…

Bộ trưởng nhấn mạnh, cái gì gây bức xúc thì sửa ngay, cái gì không phù hợp thì thay thế. Song, mục tiêu vẫn phải xây dựng BHXH hoàn toàn khác với bảo trợ xã hội, nếu tiếp cận BHXH theo hướng bảo trợ xã hội thì không ổn.

“Phát triển BHXH khó khăn rất nhiều bởi đại đa số tiền tham gia BHXH là của người dân, nên BHXH đã bao phủ được 38% lực lượng lao động là sự cố gắng rất lớn...”, ông Đào Ngọc Dung nói

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đây là một dự án luật lớn, có nội dung khó, tác động đến đông đảo người dân, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo luật, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Luật BHXH cần phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe của nhân dân dựa trên căn cứ khoa học, tính thực tiễn, cần tính toán kỹ lưỡng, cụ thể để có tính dự báo cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các chính sách BHXH cũng đã được bám sát, tuy nhiên, cần có giải pháp, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 28, đặc biệt trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh năm tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng thời kỳ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi). 

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh