CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:25

Xã Xuân Lao (Điện Biên): Người dân “đánh đu” tính mạng qua suối

 

Ông Vàng Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Xuân Lao cho biết, kể từ khi cầu treo Chiềng Xôm bị cuốn trôi đến nay, đã hai lần chính quyền xã Xuân Lao dùng nguồn vốn dự phòng của xã và huy động sức dân để làm cầu tạm cho bà con đi lại. Cầu tạm được làm bằng cách đan rọ tre đựng đá làm mố cầu, dùng thân tre ghép lại làm mặt cầu. Tuy nhiên, cứ sau một trận lũ thì cầu tạm lại bị cuốn trôi hoàn toàn. Việc đi lại của nhân dân hai bản Chiềng Xôm và Pha Hún phải lội suối rất nguy hiểm.

Hơn nữa, người dân các bản như Chiềng Xôm, Pha Hún, Chiềng Lao, Món Hà đều có ruộng nương chủ yếu ở phía bên kia suối. Bởi vậy, khi đi làm nương hay vận chuyển hàng hóa, lương thực qua suối là điều rất khó khăn đối với người dân. Một số gia đình trong xã đóng bè tre để vận chuyển người và phương tiện qua suối, nhưng với mức phí từ 10 - 20.000 đồng/người/lượt, thì những hộ kinh tế khó khăn không thể hàng ngày đi lại bằng cách này. Hoặc, người dân muốn ra trung tâm xã phải leo bộ vòng theo con đường mòn qua rừng hơn 2km. Nếu không leo bộ băng rừng, họ phải mạo hiểm tính mạng để lội suối, gặp những hôm trời mưa, nước chảy xiết thì việc lội qua suối rất nguy hiểm.

Hiện ở bản Pha Hún và Chiềng Xôm chỉ có điểm bản, phục vụ việc học tập cho các cháu từ mẫu giáo đến lớp 2. Từ lớp 3 trở đi, các cháu phải ra trung tâm xã Xuân Lao để học. Vì đi bằng con đường mòn qua rừng vất vả, tốn nhiều thời gian nên các phụ huynh thường bế các cháu đặt lên cổ, rồi lội suối đưa con đến trường. Ông Lò Văn Hồng, Trưởng bản Chiềng Xôm cho biết: Bản có 16 hộ với 70 nhân khẩu ở phía bên kia suối, muốn đi xuống trung tâm xã phải lội suối. Đặc biệt, việc các cháu học sinh đi học là nỗi trăn trở lớn nhất của các bậc phụ huynh trong bản. Những ngày mưa lũ, nếu bố mẹ không thể đưa qua suối thì các cháu lại phải bỏ học.

Ảnh trong bài: Liều mình qua suối ở Xuân Lao.

Cô giáo Lò Thị Tươi (Trường Mầm non Xuân Lao) được phân công lên dạy ở điểm bản Pha Hún, hàng ngày cứ buổi sáng là cô phải lội suối đến trường, buổi chiều lại lội suối về nhà, vì điểm trường chưa có chỗ ở cho giáo viên. “Mỗi lần qua suối tôi rất lo lắng, vì là con gái, lại không biết bơi nên tôi thường phải nhờ các anh, các chú ở gần suối đưa sang, nhưng cũng nhiều lần phải qua suối một mình. Do luôn phải lội suối nên hành trang đến trường của tôi phải luôn mang theo vài bộ quần áo để thay...”, cô Tươi nói.

Ghi nhận tiềm ẩn rủi ro với người dân khi hàng ngày phải lội suối, ông Bùi Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Từ khi cầu treo Chiềng Xôm bị lũ cuốn trôi, chính quyền huyện đã kiến nghị lên tỉnh để xin vốn xây dựng cầu nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư. Trong khoảng thời gian từ đó đến nay, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Xuân Lao tuyên truyền, vận động người dân không bơi, lội qua khu vực dòng suối, nhưng vì mưu sinh hàng này nên bà con vẫn bất chấp nguy hiểm. Ông Luyện bật mí: “Hiện nay, UBND huyện đã lập danh mục công trình này vào kế hoạch đầu tư công năm 2016. Phương án tối ưu là sẽ mở một con đường khác, vì nếu có làm lại cầu treo cũng khó chống chọi với mưa lũ, còn nếu đầu tư cầu cứng thì kinh phí lại quá nhiều. Bởi vậy, huyện sẽ chỉ đạo làm đường theo tiêu chuẩn nông thôn B, chiều dài hơn 1km với ngầm tràn qua khu vực suối hẹp. Chính quyền huyện sẽ cố gắng kiến nghị tỉnh và các sở, ngành cấp kinh phí đầu tư vào năm 2016 để phục vụ việc đi lại của người dân, giúp bà con ổn định cuộc sống”.

Thế nhưng, trong khi chờ đợi nguồn đầu tư của các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên thì nguy hiểm vẫn luôn rình rập tính mạng người dân nơi đây. Sự chờ đợi là không thể thêm nữa, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Điện Biên cần nhanh chóng bố trí đầu tư công trình làm cầu, đường qua suối Nậm Húa để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra cho người dân ở các bản trong xã Xuân Lao.

THẾ THIÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh