THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:47

Xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Thừa Thiên Huế phải có mô hình thôn thông minh

Người dân xã nông thôn mới Lộc Điền (Phúc Lộc, Thừa Thiên Huế) thu hoạch vụ Hè Thu

Người dân xã nông thôn mới Lộc Điền (Phúc Lộc, Thừa Thiên Huế) thu hoạch vụ Hè Thu

Ngày 19/9/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định về việc ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. 

Theo quyết định, Bộ tiêu chí này là căn cứ để đánh giá thực trạng và mức độ đạt các tiêu chí, chỉ tiêu; là cơ sở để xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch thực hiện và chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Huế; kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí và đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; là cơ sở xét khen thưởng trong phong trào thi đua xây dựng.

Bộ tiêu chí quy định, xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 phải đáp ứng 4 điều kiện, gồm: 

Phải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. 

Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm. 

Có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh, do UBND tỉnh quy định cụ thể. 

Đạt tiêu chí quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số,...) mang giá trị đặc trưng của địa phương, do UBND tỉnh ban hành.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định mô hình thôn thông minh, bao gồm: hạ tầng số, xã hội số và kinh tế số. 

Cụ thể, về hạ tầng số, các thôn sẽ phải thành lập và triển khai các nhóm/tổ công nghệ số cộng đồng tương tác, tương trợ lẫn nhau trong thôn; có hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến hộ gia đình; 100% nhà ở cá nhân, hộ gia đình trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số.

Về xã hội số, cán bộ thôn phải có ứng dụng các nền tảng số để thông tin, truyên truyền đến người dân trong thôn; trên 60% người sử dụng smartphone được hướng dẫn, tập huấn, đào tạo các kỹ năng cài đặt, sử dụng các phần mềm, nền tảng số hỗ trợ cho việc tìm kiếm, tra cứu, trao đổi thông tin; trên 80% hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kỹ năng quảng bá, giới thiệu, kinh doanh, mua bán các sản phẩm trên sàn 2 thương mại điện tử, các nền tảng số (zalo, facebook, youtube,...), kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, thanh toán trực tuyến; trên 50% người trưởng thành trong thôn có tài khoản thanh toán trực tuyến, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, học phí, khám chữa bệnh…. 

Về kinh tế số, thôn đó phải có ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: an ninh trật tự, an toàn giao thông, sản xuất kinh doanh, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương hiệu, thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truyền thanh thôn.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh