THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:04

Cheo leo con chữ vùng cao

 La Ngâu, một xã nghèo của huyện Tánh Linh. Do kinh tế hết sức khó khăn, nên rất nhiều học sinh vì nhà nghèo mà phải nghỉ học sớm. Được biết, xã La Ngâu gồm 4 thôn, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% dân số, số hộ nghèo cũng còn khá cao với 146 hộ. Trao đổi với phóng viên Dân Sinh, anh K’Chương, một người dân ở địa phương cho biết: “Khi con gà cất tiếng gáy và ông mặt trời còn chưa thức dậy, lũ làng đã kéo nhau lên nương rồi. Xã chúng tôi nghèo lắm, nhiều hộ gia đình còn sinh sống chung trong các ngôi nhà sàn (3-4 thế hệ cùng sống chung), tập tục thờ cúng, ma chay, đám cưới kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Tình trạng con em đồng bào dân tộc phải nghỉ học, bỏ bê cái chữ để trồng ngô, trỉa bắp để được no cái bụng còn phổ biến. Nhiều học sinh phải nghỉ học để lo “bắt chồng”, sinh nhiều con gái là tiêu chí cho các cặp vợ chồng, ai có nhiều con gái thì “bắt được nhiều chồng” mới giỏi, việc học người dân không quan tâm đến nhiều".

Nhờ nỗ lực vận động, La Ngâu mới có lớp học hiếm hoi.

Mới cuối tháng 3, thế nhưng thời tiết nơi đây nắng như đổ lửa, con đường vào xã La Ngâu như càng xa hơn và thêm nhiều trở ngại viì bụi mịt mù khi có những chiếc xe tải chạy qua. Sau gần một ngày đường, chúng tôi cũng đã tìm gặp được thầy Thái Bá Tuấn, Phó Hiệu trưởng tiểu học La Ngâu. Nhấp chén nước trà, vẻ mặt như còn chứa đựng nhiều băn khoăn cho năm học này, thầy Tuấn chia sẻ: “La Ngâu hiện đang nằm trong diện đặc biệt khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy còn đơn sơ, thư viện, phòng học, sách vở…còn thiếu rất nhiều. Trong năm học 2014-2015, trường có 13 lớp, 20 giáo viên, 230 học sinh. Do bàn ghế và phòng học trong trường không đủ nên nhà trường phải mượn tạm 2 phòng văn hóa thôn để có chỗ cho học sinh ngồi học. Nhưng mỗi lần sinh hoạt thôn người ta lấy phòng họp thì các em lại không có chỗ để ngồi học. Phần lớn giáo viên phải đi làm xa nhưng nhà ở tập thể thì thiếu nên việc đi lại là hết sức khó khăn”.

Được biết, học sinh của trường tỉ lệ người đồng bào dân tộc chiếm từ 80-90%, trong năm học 2014-2015 trường có trên 90% học sinh là người đồng bào dân tộc, mỗi dân tộc có một phong tục văn hóa riêng nên các thầy cô giáo rất vất vả trong công tác giảng dạy. Mặt khác, đa phần các em học sinh trong trường có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Số em trong độ tuổi đi học phải theo gia đình lên nương, lên rẫy kiếm sống đông nên tình trạng học sinh bỏ học cũng thường xuyên xảy ra. Chia sẻ với chúng tôi về việc học tập tại trường, em K Thị Mai, ngượng ngùng nói: “Nhà con có 6 anh chị em, 2 anh và 1 chị  học hết lớp 5 là ở nhà đi rừng, làm rẫy phụ giúp bố mẹ. Có lẽ sang năm bố mẹ cũng bắt em nghỉ học để đi làm”. Đôi mắt em rưng rưng trong từng câu nói: “Em ước gì được đến trường đi học để sau này trở thành cô giáo giúp các em nhỏ trong xóm. Vì trong xóm em có nhiều bạn nhà nghèo, gia đình không có phương tiện để đưa đi học nên không biết chữ”.

Ông Trần Thanh Hùng, Hiệu trưởng trường THCS La Ngâu.

Nói về những khó khăn của bà con ở địa phương, ông  Đặng Công Khanh, Phó chủ tịch UBND xã La Ngâu cho biết: “Hàng năm, UBND xã đều phối hợp với trường học, thường xuyên cử người có uy tín đến từng thôn, xóm thuyết phục phụ huynh cho con em tới trường đi học. Ngoài ra, còn có chế độ đãi ngộ cho các đối tượng học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số như K’ho, Rain, Raglay, Chauro… không phải đóng học phí và được nhận trợ cấp 140.000đồng/ tháng. Thế nhưng việc thuyết phục các em đến trường vẫn là bài toán khó.”

Rời La Ngâu khi mặt trời đã xế bóng, thế nhưng trong từng đôi mắt của các em học sinh, những nụ cười ngây thơ của các em đã bao ngày “khát cơm”, “đói chữ” giấc mơ đến trường còn ám ảnh chúng tôi. Khi cái nghèo đang vây kín cuộc sống của người dân, cái chữ đến với học sinh còn cheo leo xa vời hơn con đường lên rẫy. Tâm thức và ý nghĩ của họ luôn phải dành cho việc lo cơm áo. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân, để những học sinh nghèo được đến trường.  

Trụ sở UBND xã La Ngâu cơ sở vật chất cũng đang xuống cấp.

Xuân Hướng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh