CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:16

Xã hội hóa cấp nước sạch cho người nghèo

 

86% dân số  nông thôn được dùng nước sạch

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT giai đoạn 2012 - 2015, đến nay đã có 86% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch; 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% trường học và trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện chương trình đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn tín dụng ưu đãi và viện trợ quốc tế.

 

Nước sạch về với đồng bào nghèo vùng cao.

 

Đánh giá những kết quả nổi bật của Chương trình này, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Thông qua các hoạt động truyền thông đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường. Tập quán và hành vi vệ sinh của người dân và môi trường nông thôn đang được cải thiện đáng kể ở nhiều vùng nông thôn. Ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương, Chương trình đã thu hút và triển khai có hiệu quả các nguồn lực và huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội.

PGS, TS Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi đánh giá: “Một trong những kết quả nhìn thấy rõ và cần khuyến khích trong việc cung cấp và quản lý các công trình nước sạch nông thôn là sự tham gia và hoạt động rất hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân. Nguồn lực từ đối tượng này rất lớn, nếu có các chính sách khuyến khích hợp lý, minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn lớn từ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nước sạch nông thôn. Cấp nước nông thôn là lĩnh vực có khả năng thu hút khu vực tư nhân tham gia rất cao, nhất là các dự án có quy mô vừa và lớn, ở vùng dân cư tập trung. Động lực để khu vực tư nhân tham gia cung cấp nước sạch cho người dân: “Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân còn rất lớn, nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi của chính quyền địa phương; tạo việc làm cho người lao động; khả năng thu lợi ổn định và ít rủi ro”.

Khuyến khích xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn

Việc thu hút khối tư nhân tham gia đầu tư công trình nước sạch đã được nhiều địa phương thực hiện tốt, điển hình là Hà Nam, Thái Bình, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang... Trong nhiều năm qua, đầu tư xây dựng công trình cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Nhu cầu tiếp cận với dịch vụ là lớn, trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu lại có hạn. Sự tham gia của khu vực tư nhân trên cả nước vẫn còn hạn chế. Kinh nghiệm từ Thái Bình, Hà Nam và Long An cho thấy nguồn lực của tư nhân rất lớn. Từ năm 2012, khi có chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, vốn đầu tư của khu vực tư nhân chiếm 39% tổng số vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước nông thôn, đóng góp 42% tổng công suất cấp nước thiết kế của các công trình cấp nước nông thôn ở Thái Bình. Tại tỉnh Hà Nam, vốn đầu tư tư nhân chiếm 25% và đóng góp khoảng 30% tổng công suất cấp nước. Những loại hình tham gia của tư nhân bao gồm hình thức xây dựng – sở hữu – chuyển giao, xây dựng – sở hữu – vận hành và vận hành và bảo dưỡng. Sự gia tăng đầu tư của khu vực tư nhân ở Hà Nam và Thái Bình được thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước.

Ông Trần Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành (Hà Nam) cho biết: “Được sự hỗ trợ khuyến khích của UBND tỉnh Hà Nam, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch liên xã Nguyên Lý – Đức Lý (huyện Lý Nhân), với tổng vốn đầu tư là 63 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 38 tỷ đồng. Công trình này đã đem nước sạch đến cho 5.500 hộ dân của 34 thôn”. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ sự khích lệ và những chính sách hỗ trợ của địa phương đã tạo động lực lớn để họ tham gia vào đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ nhân dân vùng nông thôn. Ông Lê Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân quản lý 12 trạm cấp nước nông thôn cung cấp nước sạch cho trên 6.000 hộ dân của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho rằng: “Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa, hạn chế các thủ tục rườm rà không cần thiết như lập báo cáo, thẩm định hồ sơ thiết kế, đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi... để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thêm nhiều công trình nước sạch”.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT đã kết thúc và từ năm 2016 – 2020, chương trình NS&VSMTNT sẽ hòa chung vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình khuyến khích xã hội hóa nguồn lực đầu tư NS&VSMTNT. Nhu cầu nguồn lực thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng, trong đó, vốn của dân và tư nhân chiếm tỷ lệ cao nhất 24,5%, tương đương 15.200 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện Dự án vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2016-2020 cần huy động 16.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 1.600 tỷ đồng, vốn của dân là 4.000 tỷ đồng.

VÂN KHÁNH / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh