WHO chọn thông điệp "Cam kết bỏ thuốc lá" nhân ngày Thế giới không hút thuốc lá
- Y học 360
- 17:05 - 28/05/2021
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm covid 19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường. Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Triển khai Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, tùy theo tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị tại địa phương tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố; treo biển báo cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc như tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm công cộng trong nhà khác; đẩy mạnh hoạt động giám sát việc xây dựng môi trường không khói thuốc trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, các địa phương có hình thức động viên khen thưởng cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới; các biện pháp cai nghiện thuốc lá. Các địa phương treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá; đồng thời, lập đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các bộ, ngành, đoàn thể trung ương cần tiếp tục phổ biến và chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá; tiếp tục phổ biến các quy định về cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đặc biệt, các bộ, ngành, đoàn thể phải đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị; có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.
Các bộ, ngành, đoàn thể thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường kiểm tra, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá; lồng ghép nội dung kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm; treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền tác hại thuốc lá trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của cơ quan, đơn vị; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nơi làm việc không khói thuốc, kinh nghiệm giám sát việc thực thi các quy định về môi trường không khói thuốc...