Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn rất đáng lo ngại với số người mắc đã vượt qua mốc 24 triệu người và hơn 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Tổng giám đốc WHO cũng cảnh báo, thế giới đang trải qua một năm đại dịch thứ hai có thể còn nhiều ca tử vong hơn năm đầu tiên.
“Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 3,3 triệu người và năm thứ 2 đại dịch sẽ cướp di nhiều mạng sống hơn. Đảm bảo mạng sống và sinh kế bằng sự kết hợp của các biện pháp y tế công cộng và tiêm chủng là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch”, ông Ghebreyesus nói.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ đã xuất hiện ở 44 quốc gia và toàn bộ các khu vực trên thế giới. Điều khác biệt và đáng lo ngại là làn sóng Covid-19 lần này tràn vào những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với hệ thống y tế yếu kém, khiến tỷ lệ tử vong cao hơn. Giới chuyên gia cảnh báo, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngày càng nguy hiểm hơn, trong khi việc tiêm phòng tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn diễn ra chậm chạp, chưa đủ để có thể hướng đến khả năng miễn dịch cộng đồng.
Tình trạng virus lây lan đang tàn phá Ấn Độ và gia tăng ở nhiều quốc gia từ châu Á đến Mỹ Latin cũng khiến giới chức châu Âu phải thận trọng. Ngay sau khi phát hiện biến thể tại vùng Tây Bắc xứ England và ở thủ đô London, Đức đã đưa Anh trở lại danh sách nguy cơ lây nhiễm cao.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua bày tỏ quan ngại sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa trở lại của nước này.
“Tôi xin nhấn mạnh là có nguy cơ gián đoạn trong kế hoạch mở cửa trở lại do sự xuất hiện của biến thể mới. Tuy nhiên chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch vì các con số lây nhiễm hiện vẫn thấp và số ca nhập viện không tăng. Tuy nhiên chúng ta cần phải linh hoạt trước bất cứ sự thay đổi nào”, ông Johnson nói.
Với những tiến bộ rõ rệt trong nỗ lực phòng chống Covid-19 với tỷ lệ nhiễm mới giảm mạnh, nhiều nước châu Âu đang bắt đầu khởi động mùa hè du lịch với hi vọng bù đắp cho ngành du lịch ảm đạm trong năm qua. Đánh giá về các kết quả đạt được tại châu Âu thời gian qua, giới khoa học đưa ra 3 lý do quan trọng nhất.
Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất nằm ở sự thay đổi hành vi của người dân châu Âu, sau các làn sóng, họ đã có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân. Nguyên nhân thứ hai là tốc độ tiêm chủng đang được đẩy mạnh ở hầu hết các nước châu Âu sau giai đoạn ì ạch ban đầu vì khan hiếm vaccine và nguyên nhân thứ ba là khả năng phát triển kháng thể và miễn dịch ở những người đã khỏi bệnh.
Tuy nhiên Covid-19 bùng phát hơn 1 năm qua đã chứng minh được sự khác biệt so với các đại dịch khác, cho thấy không có một quốc gia nào có thể miễn nhiễm trước Covid-19 nếu những nước khác không được an toàn. Đó cũng là lý do mà Tổ chức Y tế thế giới liên tục đưa ra những lời kêu gọi chia sẻ và hợp tác toàn cẩu để đối phó với vòng luẩn quẩn mắc- tái nhiễm hay nới lỏng rồi lại phong tỏa. Tổ chức Y tế thế giới hôm qua cho rằng, thay vì tiêm vaccine cho trẻ em, các quốc gia nên tài trợ số vaccine đó cho Cơ chế COVAX, chia sẻ cho những nước nghèo.\