WHO: Biến thể phụ BA.2 của Omicron đang gây ra phần lớn ca mắc mới trên thế giới
- Tây Y
- 11:24 - 25/03/2022
Theo thông tin từ Nhandan.vn: Trong báo cáo ngày 22/3, WHO cho biết, trên phạm vi toàn cầu, BA.2 chiếm khoảng 86% số ca mắc mới được báo cáo tổ chức này từ ngày 16/2 đến 17/3. Trong khi đó, 2 biến thể phụ chiếm ưu thế trước đó - BA.1 và BA.1.1 - chiếm tổng cộng khoảng 13% số ca mắc mới.
Biến thể phụ BA.2 đang chiếm ưu thế tại châu Mỹ và tỷ lệ số ca nhiễm biến thể phụ này tăng đều tại nhiều khu vực ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông từ cuối năm 2021 đến nay.
Trước đó, ngày 8/3, WHO cho biết BA.1.1 đang là biến thể phụ chủ đạo và BA.2 chiếm 34% số ca mắc mới.
Tại một cuộc họp báo của Nhà trắng ngày 24/3, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết, khoảng 1/3 số ca mới tại Mỹ nhiễm biến thể phụ BA.2. Giới chức y tế Mỹ dự báo số ca mắc sẽ tăng, song không cho rằng sẽ xuất hiện một đợt bùng phát mạnh do biến thể phụ BA.2 gây ra.
Dù có khả năng lây lan cao hơn BA.1 nhưng BA.2 dường như không gây bệnh nặng hơn. Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên website của WHO, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp khẳng định, các loại vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn ca bệnh trở nặng và các ca tử vong, trong đó có ngăn chặn các biến thể phụ BA.1 và BA.2.
Các nhà khoa học cho rằng có thể BA.2 phát triển nhanh là do các đột biến dị thường của nó. Trong gene của protein gai trên bề mặt của virus, BA.2 có tới 8 đột biến mà biến thể phụ BA.1 không có.
Theo Tuoitre.vn, tiến sĩ Jeremy Luban, nhà virus học tại ĐH Massachusetts (Mỹ) nói, dù BA.2 có thể không có tác động nghiêm trọng trong cộng đồng nhưng vẫn cần phải ngăn chặn đà lây lan của nó.
"Càng có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, càng làm tăng nguy cơ virus có các đặc tính mới và tạo ra biến thể mới", ông Luban giải thích.
Theo ông Luban, với sự xuất hiện của Omicron và dòng phụ BA.2, "chúng ta đã khá may mắn khi chúng không gây bệnh nặng hơn" những biến thể trước, song các biến thể tiếp theo có thể không như vậy.
Nếu virus còn tiếp tục lây lan và nhân rộng, nhất là ở những cộng đồng chưa tiêm chủng hoặc nơi miễn dịch đang giảm, "nó sẽ tạo ra các biến thể mới, và những biến thể này vẫn sẽ là mối đe dọa cho những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao", giáo sư Young nhấn mạnh.
Ông Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu cho biết, thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 "trong một thời gian khá dài nữa, song điều đó không có nghĩa chúng ta không thể thoát khỏi đại dịch". Để làm được điều này, các nước phải bảo vệ những người dễ tổn thương, đảm bảo họ được tiếp cận thuốc kháng virus mới, tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus.