THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:19

WB dự báo, năm 2022 tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,5%

Đại diện của WB tại lễ công bố báo cáo điểm lại tháng 1/2022.

Đại diện của WB tại lễ công bố báo cáo điểm lại tháng 1/2022.

Báo cáo có tiêu đề: "Không còn thời gian để lãng phí: Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam”.

Theo đó, báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại. Bởi, thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải carbon cao, gây nhiều ô nhiễm vì chiếm một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm phát thải carbon trong các hoạt động liên quan đến thương mại.

Tuy nhiên, cần hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với áp lực gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính, khách hàng và công ty đa quốc gia với yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ phải xanh và sạch hơn. Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, thương mại sẽ là hợp phần chính trong chương trình hành động vì khí hậu của Việt Nam trong những năm tới.

Thúc đẩy thương mại xanh không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đảm bảo thương mại tiếp tục là nguồn tạo thu nhập và việc làm quan trọng.

Điểm lại tình hình và đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, đại diện WB cho rằng, năm 2021, Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Mặc dù có khởi đầu thuận lợi vào quý I/2021 nhưng đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài từ tháng 4 vừa qua đã làm chệch quá trình phục hồi và để lại hậu quả nghiêm trọng về con người và kinh tế. GDP của Việt Nam ước chỉ tăng trưởng 2,58% trong năm 2021.

Năm 2022, kinh tế sẽ khởi sắc hơn, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 5,5% và nếu đại dịch cơ bản được kiểm soát thì kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi một phần nhờ vào việc nới lỏng hơn chính sách tài khóa ít nhất là trong nửa đầu năm 2022.

Về trung hạn, WB cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chỉ bắt đầu quay về lộ trình tăng trưởng vào năm 2023, khi nhu cầu trong nước phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới.

Cùng với đó, WB dự đoán, lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu 4% ở mức khoảng 3,6%. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ đạt thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ xuất khẩu đạt kết quả tốt và nguồn kiều hối ổn định, dự kiến đóng góp ổn định từ 18 tỷ USD đến 20 tỷ USD cho tài khoản vãng lai.

Tuy nhiên, triển vọng này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.

Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng ​có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Vì thế, các chuyên gia của WB khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền cần hành động nhằm giảm thiểu tác động của những rủi ro tài khóa, xã hội và khu vực tài chính. Thu trong nước có thể được cải thiện thông qua cải cách về chính sách thuế và quản lý thuế và nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội có chất lượng.

Đặc biệt, WB cũng lưu ý về tác động bất lợi của nợ xấu đối với khu vực tài chính và rủi ro đối với tài sản của ngân hàng, gây đe dọa quá trình phục hồi kinh tế bền vững. Vì vậy, nợ xấu và chất lượng tài sản của ngân hàng cần được theo dõi chặt chẽ.

WB cho rằng, các biện pháp giãn thời gian trả nợ không nên khuyến khích việc có thể chấp nhận hạ thấp chuẩn cho vay. Các nhà hoạch định chính sách nên áp dụng chiến lược rút lui từng bước để gỡ bỏ dần các biện pháp cứu trợ ngay sau khi hoàn cảnh cho phép nhằm đảm bảo kỷ cương và quản lý rủi ro và tài chính lành mạnh.

Báo cáo khuyến nghị Chính phủ cần hành động trên 3 lĩnh vực: tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh, và phát triển các khu công nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và không phát thải carbon.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh