THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:01

Vượt qua đại dịch, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng

Hội nghị vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ban Bí thư; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng tham dự Hội nghị.

Vượt qua đại dịch, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ. Hội nghị được kết nối tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá, tổng kết 1 năm đã qua, nhìn lại chặng đường 5 năm (2016 - 2020) và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.

Đạt "mục tiêu kép" vừa phòng chống Covid-19, vừa tăng trưởng kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. "Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội", Thủ tướng nói.

Với những thành quả đặc biệt đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ của chúng ta về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp.

Vượt qua đại dịch, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thủ tướng cho biết, trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ đại suy thoái 1929 -1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số con hổ của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng nay đã bao trùm hơn rất nhiều, không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở đồng bằng mà còn miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó có những con số tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi bên cạnh các địa phương truyền thống.

Tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, dù là DNNN hay FDI, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Chúng ta cũng không tập trung vào một vài ngành kinh tế nào mà nay công nghiệp, dịch vụ, và đặc biệt là nông nghiệp đều cùng giữ vai trò và đóng góp quan trọng. Thu NSNN đạt kết quả ấn tượng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra; chi NSNN chặt chẽ hơn, tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Trong 5 năm qua, nền kinh tế nước ta đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, trong đó bao gồm những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Nhờ có việc làm tốt hơn, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, kinh tế phát triển, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân chúng ta đã tăng gần 145%. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD.

Vượt qua đại dịch, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng - Ảnh 3.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương, tổ chức trong hai ngày 28, 29/12.

"Việt Nam không chỉ thành công về kinh tế mà còn đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Tuổi thọ trung bình của người dân chúng ta nay đã tăng lên gần 74 tuổi. Theo Báo cáo gần đây của UNDP, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển cao của thế giới. Kinh tế phát triển nhanh nhưng tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt, cả bình đẳng về thu nhập lẫn bình đẳng giới. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành quả vô cùng ý nghĩa về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3% so với 10% của 5 năm trước", Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải, chẳng hạn tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Công ăn việc làm của một bộ phận người dân chưa được đảm bảo, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức. Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp. Các vấn đề cơ cấu của nền kinh tế, những nút thắt về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh… vẫn còn nhiều trở ngại; chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đô thị hóa phát triển nhưng chúng ta vẫn còn những khu nhà lụp xụp, quá tải. Những vấn đề sát sườn với đời sống người dân như tai nạn giao thông, an ninh trật tự, tội phạm xã hội, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi, nhiều giá trị xã hội bị suy giảm; nhất là tình trạng suy nghĩ lệch lạc, mất định hướng giá trị, sống thiếu hoài bão, thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ. Ô nhiễm môi trường và tác động do biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện rõ…

Tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng những đặc tính của dân tộc ta như tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm, tính cần cù, lạc quan và thích ứng nhanh sẽ làm nên thành công. "Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng, chúng ta sẽ tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước như tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng sắp khai mạc vào ngày 25/1/2021", Thủ tướng tin tưởng.

Hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm (2016 - 2020), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Vượt qua đại dịch, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm (2021 - 2030), do vậy công việc là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021 là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đồng tình, thống nhất cao với nội dung các báo cáo tình hình KTXH 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra trong 2021 của quốc gia cũng như của địa phương, Thừa Thiên - Huế cho rằng, thời điểm hiện nay phục hồi, đón đầu cơ hội nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. "Cần tiếp tục có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế. Đây là thời điểm cho Việt Nam tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây nên", ông Thọ đề nghị.

Vượt qua đại dịch, Việt Nam duy trì đà tăng trưởng - Ảnh 5.

Tại điểm cầu Thừa Thiên - Huế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương mới của Chính phủ, phát huy những thành tựu quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng với tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; các cơ chế, chính sách đặc thù và những đột phá trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thực hiện phương châm hành động của năm 2021 của Chính phủ là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và  phương châm hành động năm 2021 của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận là "Đoàn kết - Sáng tạo - Kỷ cương - Phát triển - Tăng tốc - Hiệu quả", tỉnh sẽ đổi mới trong tư duy và hành động quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành, nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, Quy hoạch 10 năm và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 của Tỉnh. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh