Vũng Tàu: Hàng ngàn container phế liệu tồn đọng ở cảng chưa có biện pháp xử lý
- Tây Y
- 17:50 - 22/11/2018
Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đang tồn đọng khoảng 3.000 container hàng phế liệu, chủ yếu là các mặt hàng sắt thép, nhựa, giấy. Việc này khiến cảng gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, cơ quan chức năng cảnh báo, do Trung Quốc đang ngưng nhập phế liệu nên mặt hàng này có thể ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, cần siết chặt việc nhập khẩu phế liệu.
Đánh giá của Bộ TN-MT cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ container phế liệu tại các cảng biển là do từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế. Vì vậy, các nước có nhu cầu sử dụng phế liệu để tái chế, trong đó có Việt Nam, có điều kiện nhập hàng. Nhưng quy định về nhập khẩu phế liệu của nước ta khá nghiêm ngặt nên nhiều doanh nghiệp phế liệu, dù chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán với các đối tác nước ngoài. Có trường hợp doanh nghiệp không bổ sung được các giấy tờ liên quan nên bỏ luôn hàng, thậm chí một số doanh nghiệp đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế, hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật để cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy định.
Cần siết chặt việc nhập khẩu phế liệu tại các cảng
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho hay: Ở các nước Nhật Bản, Singapore, Australia, Malaysia và châu Âu, chi phí để xử lý một container phế liệu cao hơn chi phí mua một container và thuê chở về Việt Nam từ 2-3 lần. Do đó, một số DN vì ham lợi đã gom phế liệu từ nước ngoài chuyển về các cảng biển Việt Nam, trong đó có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Hầu hết các loại phế liệu trên đều vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập, sau đó tái xuất sang Trung Quốc. Nhưng từ đầu năm 2018, Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu nên một số DN đã “bỏ của chạy lấy người” vì không tái xuất được, trong khi chi phí tiêu hủy lại rất cao.
Ngoài ra, một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu, nhưng sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng phế liệu. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng phế liệu nhập về đến Việt Nam chưa đủ điều kiện thông quan, gây ùn ứ tại các cảng, trong đó có cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tình trạng truy tìm chủ sở hữu các container phế liệu tồn đọng ở cảng rất khó khăn, vì nhiều DN nhập khẩu đã khai man tên, địa chỉ, hoặc khi có nguy cơ bị phát hiện thì thay đổi người nhận để “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài ra, một số DN chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Đến khi hoàn tất được các giấy tờ cần thiết để thông quan thì phí lưu kho bãi đã đội lên cao, vì thế họ bỏ hàng tại cảng.
Vì vậy, theo cơ quan chức năng, nước ta chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa (ngoài biên giới), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ, lúc đó mới làm thủ tục thông quan và kiểm tra giấy phép. Do đó, cơ quan chức năng luôn bị động, phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm, gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép. Để giải quyết được vấn đề này, trước khi hàng phế liệu nhập khẩu vào cảng cần làm rõ chủ hàng là ai, loại hàng hóa gì. Nếu hãng tàu không làm rõ được các yêu cầu thì tạm dừng việc nhập khẩu phế liệu vào cảng để tránh tình trạng tồn đọng nhiều container vô chủ như hiện nay.
Hàng ngàn container vô chủ bị bỏ lại cảng Cái Mép - Thị Vải ( ảnh: Internet)
Liên quan đến tình trạng này, Tổng cục Hải quan vừa có Văn bản số 6644 về việc hướng dẫn quản lý nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố. Theo đó, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài chỉ được dỡ nhập cảnh xuống cảng khi đáp ứng các điều kiện như: Có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; người nhận hàng có giấy ký quỹ bảo đảm nhập khẩu; lượng phế liệu dỡ xuống cảng không được vượt quá lượng phế liệu được nhập.
Theo Cục Hàng hải VN cho biết, tính đến hết tháng 6/2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng lên đến 5.724 container. Mặc dù vậy, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thời gian qua vẫn có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, những tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng gấp 2 lần so với cả năm 2017; Khối lượng nhập khẩu mặt hàng sắt, thép phế liệu chạm ngưỡng hơn 2,1 triệu tấn, gần bằng cả năm 2016 (hơn 2,7 triệu tấn).