Vùng phổi hoạt động được của bệnh nhân phi công người Anh tăng lên 30%
- Y học 360
- 23:08 - 21/05/2020
Riêng bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh), trao đổi với Hanoimoi, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, dung tích vùng phổi hoạt động được của bệnh nhân đã tăng lên 30%, thay vì chỉ 10% như cách đây 1 tuần.
Sáng 21/5, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận bệnh nhân 91 để tiếp tục điều trị.
Tính đến ngày 21/5, hơn 10 ngày qua, bệnh nhân 91 đã có kết quả 6 lần xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, kết quả nuôi cấy vi rút của bệnh nhân được thực hiện ở Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng chưa thấy sự hoạt động của vi rút SARS-CoV-2. Điều đó cho thấy, nam phi công đã được điều trị khỏi Covid-19.
Hiện, bệnh nhân 91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom, nhưng đã nhận được sự chăm sóc rất tích cực của các y, bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần qua, 59 người tình nguyện đã đăng ký hiến phổi cho phi công này, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi nhất đã 78 tuổi. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Liên quan đến bệnh nhân người Anh, báo Tiền phong thông tin, bệnh nhân đã có 63 ngày điều trị, trong đó có 46 ngày chạy ECMO tim phổi nhân tạo, 27 ngày mở khí quản. Chi phí điều trị đến nay đã lên hơn 3 tỷ đồng, nhiều lần phải thay quả lọc ECMO.
Một phương án cũng được tính đến là chuyển bệnh nhân về Anh do người đàn ông này đã khỏi Covid-19. "Vấn đề này cần báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Bộ, ban, ngành liên quan để bàn bạc, cân nhắc", ông Khuê cho hay. Ít nhất, bệnh nhân để chuyển được phải tỉnh táo và nhiều chỉ định khác, hiện sự sống bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, dùng nhiều thuốc mê, an thần.