THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:02

Vùng đất cằn khởi sắc nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi

Nhắc đến vùng Kông Chro ai cũng nghĩ đến "đặc sản" là mía, nhưng thời gian gần đây vùng đất khô cằn này đã đổi thay, nhiều cây trồng vật nuôi được áp dụng thành công như thanh long, đào (điều) lộn hột, na, ớt, bí ngô, cây nhãn.

Tại tổ dân phố Plei Ktoh, thị trấn Kông Chro chúng tôi ghé thăm nhà ông Phan Đình Sơn khi người đàn ông gần 50 tuổi vui vẻ kể, trước việc giá mía xuống thấp nên vài năm gần đây, ông quyết định chuyển hơn 2 ha mía trong tổng số 10 ha mía của gia đình sang trồng ớt, bí ngô, đậu… Việc trồng những loại rau quả giúp gia đình ông Sơn vừa có nguồn thu nhập thường xuyên, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Sơn khoe, vừa thu hoạch xong 1 ha ớt, dù thời tiết xấu do mưa bão nhưng vẫn thu được gần 6 tấn, bán với giá 50-60 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình vẫn còn lãi trên 200 triệu đồng.

Bên cạnh việc trồng những loại rau quả vật nuôi, ở thị trấn Kông Chro ai cũng biết đến trang trại nuôi gà hơn 1 ha của ông Nguyễn Đức Đại. Trại gà này rất đặc biệt vì không nhốt trong chuồng để cho ăn mà gà được thả, bay nhảy dưới tán cây. Cũng bởi vậy mà thịt gà mang thương hiệu của ông Sơn nổi tiếng vì thơm ngon. Sau mỗi đợt xuất bán gà ông Đại đều cẩn thận vệ sinh trang trại, rắc vôi, phun thuốc rồi nhập gà giống về nuôi. "Lúc đầu tôi nuôi 200 con thôi, nhờ áp dụng đúng phương pháp chăm sóc, tăng cường vệ sinh chuồng trại và chủ động phòng ngừa dịch bệnh nên đàn gà mau lớn, ít bệnh. Sau khi đúc rút kinh nghiệm từ lứa gà đầu tiên, ông tăng đàn lên 2 nghìn con ở lứa tiếp theo. Tùy theo thời điểm mà giá bán dao động từ 60 nghìn đồng đến 85 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình tôi thu về 12-15 triệu đồng/tháng", ông Đại kể.

Gia Lai: Vùng đất cằn khởi sắc nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi - Ảnh 1.

Cây nhãn là một trong những cây ăn quả mới được trồng ở huyện Kông Chro

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kông Chro Võ Văn Hưng cho biết, những năm gần đây, huyện tập trung đầu tư xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, dược liệu để người dân áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị hạn, năng suất thấp sang trồng các loại cây phù hợp để nâng cao thu nhập trên một diện tích. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Theo ông Hưng, năm vừa qua tình hình dịch bệnh nhiều, nhưng huyện đã tập trung chỉ đạo xử lý hướng dẫn phòng trừ các bệnh gây hại trên cây trồng như sâu keo mùa thu, châu chấu hại mía, ốc bươu vàng gây hại lúa, khảm lá sắn. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo đúng quy định; nắm chắc tình hình dịch bệnh trên cây trồng và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ. "Năm tới lãnh đạo huyện đã định hướng, sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, cũng như tạo đầu ra với thị trường. Trong đó, huyện vẫn duy trì hơn 5,3 nghìn ha mía phục vụ các nhà máy, đồng thời giảm hơn 1,1 nghìn ha mì để chuyển sang trồng các loại cây khác. Cụ thể, huyện sẽ khuyến khích tăng diện tích cây ăn quả, bắp, điều, các loại rau xanh, triển khai mô hình trồng xoài Đài Loan tại một số xã"- ông Hưng chia sẻ.

Đặc biệt tiêu chí của huyện Kông Chro, phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, gắn kết chế biến với tiêu thụ sản phẩm. "Năm tới, huyện sẽ tập trung thực hiện mục tiêu kép, tức vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Tiếp tục giữ vững và đảm bảo tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững. Cùng với đó luôn xác định, tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ rừng, bảo đảm an sinh xã hội Võ Nguyên Nam - Chủ tịch UBND huyện Kông Chro.

Trao đổi với PV, ông Võ Nguyên Nam - Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, tổng diện tích gieo trồng năm qua của huyện đạt hơn 40,3 nghìn ha, tổng đàn gia súc hơn 62,9 nghìn con (bò 43,2 nghìn, heo hơn 8,5 nghìn, dê hơn 9,6 nghìn, trâu hơn 1,3 nghìn). Riêng sản xuất "nông, lâm, thuỷ sản", ông Nam chia sẻ, huyện đã điều chỉnh phù hợp với lợi thế của địa phương gắn với thị trường; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện rõ nét, dần sang hướng trồng các loại cây trồng mang tính hàng hóa, có giá trị cao như cây ăn quả, tái canh cây điều để tăng thu nhập cho đồng bào. "Để đạt được kết quả trên, huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng chống nắng hạn, mưa bão, phòng trừ sâu bệnh và tổ chức lựa chọn giống chịu hạn tốt, kháng bệnh cao", ông Nam nói.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh