Uống rượu vừa phải là nét văn hóa rất riêng trong giao tiếp đối với người Việt Nam và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, uống rượu quá nhiều lại là thói quen xấu và có hại đối với sức khỏe. Những bữa nhậu trước và sau Tết lại càng không thể thiếu rượu. Và từ những bữa nhậu đó, nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như phải vào bệnh viên cấp cứu vì rượu, tai nạn giao thông, đánh nhau, giết nhau…
Các chuyên gia y tế khuyên bạn không nên uống rượu trong lúc điều kiển phương tiện giao thông để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. (ảnh: KT) |
Nguyên nhân gây ngộ độc rượu là do uống nhiều rượu thường xuyên dễ dẫn đến nghiện rượu. Dần dần cơ thể trở nên dung nạp rượu nên người uống rượu có xu hướng tăng dần số lượng.
Theo TS BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai: thông thường, trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu gia tăng. Họ nhập viện đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận.
"Những người dễ bị ngộ độc rượu khi uống và sẽ bị nặng như: trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ; người gầy, suy dinh dưỡng; khi uống rượu không ăn hoặc ăn ít; khi bị bệnh gan có suy giảm chức năng gan", BS Hùng nói.
Dấu hiệu của ngộ độc rượuNgộ độc cấp tính: nhẹ dẫn đến nói nhiều, mất kiểm soát hành vi, lời nói, mất thăng bằng, mất khả năng phán xét, nôn, viêm dạ dày.
Các tai biến trước mắt: chấn thương do tai nạn hoặc đánh nhau, suy thận, tử vong, đặc biệt nguy hiểm nếu uống rượu chứa các rượu độc khác như methanol.
Hậu quả đối với sức khỏe khi nghiện rượu như: thần kinh, tâm thần (gây nghiện, thoái hóa não, rối loạn tâm thần, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, bệnh các dây thần kinh.
Tiêu hóa: viêm loét dạ dày, viêm tụy cấp, suy tụy, sơ gan, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng.
Tim mạch: suy tim, loạn nhịp tim, ngừng tim đột ngột.
Phòng tránh ngộ độc rượu và tác hại của rượu:
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai khuyên tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Đặc biệt, phụ nữ càng không nên uống rượu vì khả năng chịu đựng với rượu thường kém hơn nam giới và khi bị ngộ độc rượu (say rượu) dễ bị lạm dụng.
BS Nguyên lưu ý các đối tượng không nên uống rượu:
- Trẻ em, vị thành niên.
- Phụ nữ có thai (hoặc đang sắp có thai), cho con bú.
- Người không kiểm soát được số lượng uống ở mức độ ít.
- Lái xe, vận hành máy móc hoặc các hoạt động đòi hỏi tập trung, kỹ năng và phối hợp động tác.
- Đang dùng thuốc (phải hỏi kỹ đơn thuốc).
- Người nghiện rượu mới bỏ rượu xong.
- Người bị một số bệnh
Nếu phải uống rượu, bia nên uống đúng lúc: uống sau giờ làm việc, khi nghỉ ngơi và uống ít.
Uống ít: Hiện nay, quy định lượng rượu ethanol tối đa có thể uống trong 1 ngày khác nhau giữa các nước. Ở người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương với:
- Nữ: 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39,9%.
- Nam: 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39,9%.
- Có nhiều loại cốc, chén với kích cỡ rất khác nhau.
- Chú ý: một khi đã uống rượu, bia, bạn sẽ rất dễ nhanh chóng mất khả năng kiểm soát và chuyển từ “uống ít” sang “uống nhiều”.
- Bạn cũng có thể kết hợp căn cứ vào các biểu hiện bên ngoài: vẫn tỉnh táo, phán xét đúng, nói rõ nét và đi lại vững vàng.
Ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột (cơm, bún, mỳ,…), hoặc thức ăn có nhiều đường,…(rượu gây hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não).
Giữ ấm, tránh lạnh nếu trời lạnh (rượu gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt).
Không lái xe, vận hành máy móc, lao động đặc biệt có nguy cơ với sức khỏe (ngã, tai nạn,…).
BS Nguyên khuyến cáo trong hầu hết các trường hợp, rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, không có loại rượu bia nào an toàn. Bia cũng là rượu “loãng” (hàm lượng rượu ethanol thấp hơn nhưng lại uống nhiều hơn nên tổng lượng ethanol bạn uống cũng đáng kể)./.