Vui, buồn qua bức tâm thư của con gái liệt sĩ
- Tây Y
- 18:21 - 19/03/2015
Vui cho Trang có việc làm; vui cho người cha ở nơi xa kia biết được cũng vơi đi nỗi sầu; vui vì dẫu có muộn, nhưng chính quyền và các ngành chức năng cũng đã thấu một phần những khúc mắc của nhân tình thế thái.
Nhưng bên cạnh niềm vui còn canh cánh bao nỗi buồn. Phải chi khi ra trường, đơn xin việc được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, Trang chẳng phải “liều mình” viết tâm thư cho Bộ trưởng. Và chắc rằng, Trang không phải trường hợp cá biệt con liệt sĩ, con đối tượng chính sách gặp khó khi đi tìm việc, hay giải quyết các chế độ chính sách khác.
Mới đây thôi, Báo LĐ&XH nhận được kiến nghị của một phụ nữ hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh về quê Hà Tĩnh xin sửa tên lót của bố là liệt sĩ thời chống Mỹ, đồng thời xin chứng nhận là con liệt sĩ. Thế mà nhiều lần về quê, nhiều lần đến cơ quan chức năng xin giải quyết, đến nay chị vẫn chưa xin được!.
Cái câu: “Miệng nhà quan có gang, có thép” vận vào thật đúng với trường hợp của Trang. Mừng cho Trang có việc làm, mà ngậm ngùi cho bao trường hợp khác, nhất là những người không thuộc đối tượng ưu tiên. Học thành nghề đã khó, ra trường tìm việc lại khó muôn phần.
Qua câu chuyện của Trang càng thấy rõ hơn một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay, họ đâu phải của dân, do dân và vì dân. Nếu vì dân thì chẳng cần Trang lao tâm khổ tứ viết tâm thư; chẳng đợi đến lúc người cao nhất ngành chỉ đạo, Trang mới được nhận vào làm việc.
Trường hợp của Trang thêm một lần nữa nhắc nhở mọi cấp, mọi ngành cần quan tâm đến các đối tượng chính sách, nhất là những người có công, thân nhân những người có công với cách mạng.