THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:54

Vui buồn phóng viên nghị trường

 

Tác nghiệp trong “U tì quốc” 
So với trước đây, phóng viên theo dõi Quốc hội  bây giờ có nhiều thuận lợi, nhất là khi Nhà Quốc hội mới được xây dựng và đưa vào hoạt động, một Trung tâm báo chí hiện đại và rộng rãi được đặt ngay dưới tầng hầm của tòa nhà. Cánh phóng viên vẫn đùa vui với nhau, gọi nơi này là “U tì quốc”- vương quốc của những phóng viên nghị trường.
Nhìn cơ ngơi khang trang bây giờ, lại nhớ cái thời tôi mới được phân theo dõi Quốc hội từ khóa XII, khi đó Hội trường Ba Đình cũ được phá đi để xây mới, Quốc hội phải mượn tạm hội trường của Bộ Quốc phòng (nằm trên đường Nguyễn Tri Phương) để  họp. Do vậy, Trung tâm tác nghiệp của báo chí được bố trí khi thì ở 19C Hoàng Diệu, lúc lại ở 37 Hùng Vương. Dạo đó, cánh phóng viên theo dõi Quốc hội lúc nào cũng tất tả chạy ngược, chạy xuôi. Trước giờ giải lao của đại biểu khoảng nửa tiếng là đã phải chạy đi lấy xe phi sang hội trường  Bộ Quốc phòng cho kịp giờ. Phóng viên nào mải mê làm tường thuật, quên bẵng không xem giờ, đợi đến khi giải lao mới đi thì thôi luôn, gửi xe, đi bộ  giữa cái nắng như đổ lửa tháng 6, mồ hôi nhễ nhại, vào được đến nơi thì đại biểu cũng hết giờ giải lao.
Còn nay,  Trung tâm báo chí nằm ngay trong tòa nhà Quốc hội, với  đầy đủ phương tiện, có điều hòa, mạng internet và được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến diễn biến kỳ họp,  phóng viên cứ việc ngồi  chờ đến giờ nghỉ, đi thang máy lên tầng 3 đến phòng họp Diên Hồng cũng vừa kịp lúc các đại biểu tiến ra hành lang nghỉ giải lao. Tài liệu cũng thế, trước phải đến sớm để lấy, muộn thì hết. Nay tài liệu đã được cung cấp bản mềm đầy đủ trên website của Trung tâm báo chí, ảnh hoạt động của Quốc hội cũng được cung cấp miễn phí. Buổi trưa, phóng viên cũng chẳng cần phải về cơ quan hay lang thang ngoài quán cơm bình dân như trước, bởi căng tin ngay cạnh với  suất cơm 35 nghìn đủ tiêu chí  “ngon, bổ, rẻ”.. . Công việc vì thế mà thuận lợi hơn rất nhiều. 

Trung tâm báo chí- nơi tác nghiệp chính của những phóng viên theo dõi QH  (Ảnh: Hồ Như Ý)

Đương nhiên không phải mọi thứ đều suôn sẻ.  Khi Nhà Quốc hội mới đi vào hoạt động, các buổi họp được tổ chức ngay tại tòa nhà chứ không phải họp tại khách sạn nơi các đoàn đại biểu Quốc hội lưu trú như trước đây. Tuy nhiên, phòng họp lại quá bé, dẫn đến tình trạng phóng viên không có chỗ ngồi. Hình ảnh nhiều phóng viên phải ngồi xuống đất để làm việc từng gây không ít phản cảm, đến nỗi đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đã có lần đề nghị phóng viên chụp lại ảnh để ông phản ánh với Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, tình trạng này  chưa được cải thiện. Gần đây, lực lượng cảnh vệ đã đề nghị phóng viên không vào các tổ khi phòng đã quá đông, hoặc nếu vào thì cũng không được ngồi xuống đất mà phải đứng,  khiến không ít phóng viên loay hoay chả biết làm thế nào với cái máy tính trên tay.Nhưng điều gian nan  nhất với phóng viên nghị trường bây giờ có lẽ là tấm thẻ sự kiện. Trước đây, phóng viên được thoải mái tiếp xúc với đại biểu Quốc hội ngoài hành lang, từ khi Quốc hội chuyển sang họp nhờ tại Hội trường Bộ Quốc phòng và cho đến bây giờ việc tiếp xúc giữa phóng viên với đại biểu ngày càng được “siết” lại. Ngoài tấm thẻ tác nghiệp chung cho cả kỳ Quốc hội thì hàng ngày, nếu muốn phỏng vấn hành lang, phóng viên phải xin thẻ sự kiện do Văn phòng Quốc hội phát. Cánh phóng viên vẫn gọi đùa đây là những “giấy phép con”, mà nếu không có nó thì họ chỉ có thể tác nghiệp qua màn hình tivi. Đương nhiên, Văn phòng Quốc hội cũng có lý do khi phát thẻ sự kiện bởi đã có lúc, số lượng phóng viên còn nhiều hơn số đại biểu Quốc hội, nếu tràn hết lên hành lang có lẽ cũng không đủ chỗ cho đại biểu đứng, huống hồ là nghỉ ngơi. Số thẻ được  phát ra cũng ngày một eo hẹp hơn, từ 70 xuống còn 50, 40 và giờ chỉ còn  30 thẻ. Hơn 300 phóng viên với 30 chiếc thẻ khiến việc phát thẻ đôi khi trở thành bi hài kịch “dở khóc dở cười”. Để có trong tay tấm thẻ quý giá này, phóng viên phải tranh thủ đến từ rất sớm, xếp hàng chả khác gì tem phiếu thời bao cấp. Quốc hội họp 8 giờ thì nhiều phóng viên  từ 7 giờ đã đến xếp hàng, nhưng đa phần vẫn phải “tay trắng” đi ra. Kỳ này Quốc hội “đổi mới” việc cấp thẻ bằng cách “phân phối” luân phiên. Tuy nhiên số thẻ phát ra thì vẫn giữ nguyên, thành ra để vào được hành lang tiếp cận các đại biểu  ngày càng khó khăn. Và  dường như “hơi thở” nghị trường cũng bớt sôi động hơn khi có sự hạn chế phóng viên tiếp cận hành lang phòng họp Quốc hội...
Phỏng vấn hành lang - Những phút “quý hơn vàng”
Với phóng viên nghị trường, ngoài việc đưa tin về hoạt động của Quốc hội tại các phiên làm việc chính thức, thì một phần việc vô cùng quan trọng là  phỏng vấn hành lang với việc gặp gỡ trực tiếp, phỏng vấn các đại biểu về các vấn đề “nóng”. Đây  là  nơi các đại biểu Quốc hội trực tiếp trao đổi với phóng viên về những điều chưa nói hết, chưa nói rõ được trên nghị trường hoặc những vấn đề  bức xúc, những sự kiện lớn đang xảy ra được nhân dân quan tâm nhưng không được thảo luận trong chương trình làm việc chính thức của Quốc hội. Phỏng vấn hành lang cũng giúp làm sáng rõ hơn những vấn đề đang được bàn luận ở nghị trường, bổ sung vào hoạt động nghị trường những chất liệu “nóng hổi” đang xảy ra trong đời sống xã hội. Chính vì thế, đây luôn là phần được độc giả quan tâm chờ đợi và cũng là phần việc vất vả nhất đối với các phóng viên.
Nói là vất vả nhất là bởi, có được tấm thẻ sự kiện để được vào hành lang trong giờ giải lao đã khó, nhưng ngay cả khi đã có thẻ trong tay, việc tiếp cận đại biểu cũng không đơn giản. Giờ giải lao chỉ có 20 phút, căng mắt để tìm đại biểu mình cần phỏng vấn trong số 500 đại biểu đứng ngồi, đi lại trong hành lang Quốc hội không dễ. Nhiều phóng viên nghĩ ra mọi biện pháp để “săn” đại biểu. Nếu quen thì gọi điện hẹn trước, còn để tìm được đại biểu ngoài hành lang thì chờ đến các buổi thảo luận tổ hoặc tìm đến khách sạn nơi đại biểu nghỉ, thậm chí có phóng viên còn đứng trước cửa... nhà vệ sinh  để chờ đại biểu. 

Phỏng vấn hành lang- công việc tuy khó khăn nhưng lại hấp dẫn nhất   (Ảnh: Chu Ngọc Thắng)

Với những phóng viên lần đầu theo dõi Quốc hội, để tìm được đại biểu trả lời đúng, trúng vấn đề mà mình quan tâm là điều không đơn giản, bởi mỗi đại biểu có thế mạnh riêng và hầu như chỉ am hiểu sâu về lĩnh vực họ phụ trách. Ngay cả những phóng viên có thâm niên thì đây cũng là phần việc vất vả nhất, bởi khá nhiều đại biểu “ngại” tiếp xúc với báo chí. Tất nhiên vẫn có một số đại biểu rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng chia sẻ thông tin. Họ là những người am hiểu về nhiều lĩnh vực, cởi mở với báo chí. Thay vì tỏ thái độ khó chịu khi bị làm phiền trong những phút giải lao ngắn ngủi, đối với cánh phóng viên nghị trường, họ  như những người bạn thân thiết, luôn sẵn sàng cộng tác, thể hiện hết trách nhiệm của những đại biểu dân cử. Trong những khóa trước, nhiều người thậm chí đã đi vào những câu vè của cánh phóng viên nghị trường như “nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Hay những đại biểu như  Nguyễn Minh Thuyết, Lê Như Tiến, Bùi Sỹ Lợi, Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc... luôn được phóng viên và cử tri tin quý bởi sự thẳng thắn, không ngại những vấn đề nóng. Điều đó  tạo thuận lợi và là niềm an ủi cho phóng viên khi tác nghiệp. 
Có thể nói, công việc bận rộn, căng thẳng song bù lại, phóng viên nghị trường  được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhiều đại biểu Quốc hội,  những người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, được tiếp cận sớm, am hiểu tường tận nhiều quy định mới của pháp luật - cơ hội mà không phải phóng viên nào cũng có. Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn. Chạy đua với thời gian để kịp truyền tải những thông tin “nóng” từ nghị trường đến với bạn đọc, áp lực công việc đòi hỏi mỗi phóng viên phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, linh hoạt trong xử lý các tình huống  và  tỉnh táo, thận trọng trước những vấn đề “nhạy cảm”. Với mỗi phóng viên nghị trường, mong muốn duy nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ,  trở thành “cầu nối” giữa Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước, góp phần để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ và cởi mở hơn...

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh