CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Vừa cưới xong, mẹ chồng đòi giữ hết của hồi môn

Yêu 6 năm, Yến và Hưng cuối cùng cũng đến được với nhau. Trước ngày cưới, bố mẹ Hưng tuyên bố hai đứa tự lo tiệc cưới mà không cho một đồng. Vậy là để lo được đám cưới của mình, Yến và Hưng đã phải làm việc tích cóp cả năm. Ngày cưới dù tổ chức giản dị nhưng vẫn lâm vào cảnh nợ nần.

Cầm trên tay sấp phong bì sau lễ cưới, Yến hí hửng với món tiền mừng vì nghĩ có được khoản để trả nợ vay khi tổ chức đám cưới mà còn dư được chút tiết kiệm phòng khi cơ nhỡ ốm đau, rồi sau này sinh con đẻ cái cần thiết có mà dùng. Nhưng mọi ý định ấy của cô không thể thực hiện được vì vừa cưới xong, mẹ chồng đòi giữ hết của hồi môn 

Ảnh minh họa

Sau đêm tân hôn, Yến đang dọn dẹp lại phòng thì mẹ chồng gõ cửa. Yến cứ nghĩ bà vào tâm tình với dâu mới, nào ngờ vừa bước vào bà đã đon đả nói: “Con đưa mẹ cất hộ cho số vàng hôm cưới mẹ đeo vào cổ con cùng 3 cây vàng anh chị cho con và tiền mừng cưới của hai con nữa. Vợ chồng trẻ chưa cần chi tiêu, để mẹ giữ hộ. Cẩn thận vẫn hơn con ạ”.

Nghe vậy, Yến sững người, há hốc miệng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nghĩ vừa về làm dâu sợ mẹ chồng phật ý nên dù ấm ức, Yến đành nín nhịn vào tủ lấy hết số vàng cùng tiền mừng đưa cho mẹ chồng.

Yến tâm sự: “Hai vợ chồng làm công ăn lương cũng chỉ đủ chi tiêu thành ra lúc nào cũng “âm”. Đã thế, dạo này cưới xin nhiều, bí quá mình nghĩ nói mẹ chồng đưa ít tiêu cũng không sao. Vậy nhưng bà cũng ậm ừ cho qua rồi dặn rằng: “Cần thiết phải chi tiêu thì lấy không thì để mẹ “giữ hộ”, chứ tiêu pha linh tinh hoang phí”.

Tính mở một shop quần áo online để kiếm thêm, hỏi mẹ chồng đưa lại để lấy vốn làm ăn đến cả chục lần bà cũng khất lần. Càng nghĩ càng thấy ức, tiền gửi mẹ muốn lấy ra mà cứ như ăn xin vậy? Cứ nghĩ đến mẹ chồng là ức chế nhưng vì vẫn sống chung với bố mẹ chồng nên đành phải nín nhịn”.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình (Trung tâm tư vấn tâm lý Hoàng Nhân) cho rằng, thực tế có rất nhiều trường hợp mẹ chồng cương quyết đòi giữ của hồi môn của con dâu vì cho là của chung. Nhiều cô dâu lại tỏ ra bất bình và có hành vi lỗ mãng. Vì điều này mâu thuẫn đẩy lên cao trào khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu rạn nứt.

Ngày xưa, các đôi vợ chồng lấy nhau thường rất lệ thuộc vào gia đình và cha mẹ, nàng dâu về nhà rất yếu thế nên của hồi môn cũng được đưa chung vào quản lý của cha mẹ chồng. Ví dụ chăn màn, quần áo, ở vùng dân tộc thì hồi môn còn rất nhiều bạc trắng hoặc vàng.

Người ta chấp nhận đó là tài sản riêng vợ chồng trong ngày cưới thôi, sau đó là của cả nhà chồng. Tùy vào nhà chồng thế nào mà đem ra sử dụng hài hòa hay không. Nhưng bây giờ, phần lớn chúng ta đều quan niệm của hồi môn là tài sản chung vợ chồng trẻ.

Ứng xử khi mẹ chồng muốn giữ của hồi môn cũng linh động, không ai giống ai và không có khuôn mẫu nào áp dụng đúng cho nhau. Ví dụ mẹ chồng tham lam khác với mẹ chồng chu đáo vẹn toàn lo xa cho các con. Mẹ chồng độc đoán khác với mẹ chồng dân chủ, cởi mở. Mọi người cần căn cứ vào giá trị tinh thần và giá trị vật chất cộng với khả năng làm chủ vấn đề của mình đến đâu mà ứng xử cho hài hòa nhất

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh