Vừa bị kết luận "không thể mang thai", tháng sau bất ngờ thử que 2 vạch
- Bác sĩ
- 04:25 - 09/05/2020
Chị Diệu Liên 31 tuổi (quê Thanh Hoá, hiện sinh sống ở Mễ Trì, Hà Nội) kể, năm 30 tuổi thì chị kết hôn, lúc đó chị nghĩ kết hôn xong sẽ "thả" để có em bé luôn. Nhưng mọi thứ đã diễn ra không giống như suy nghĩ của chị. Sau 11 tháng làm đám cưới mà chị vẫn không có tin vui, vậy là hai vợ chồng đưa nhau đi khám.
Bác sĩ phát hiện chị Liên bị đa nhân xơ tử cung kích thước to, nhiều và u phát triển nhanh, đồng thời yêu cầu chị xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung. Kết quả, chị Liên không bị ung thư nhưng khả năng mang thai là không thể.
"Mình đã khóc rất nhiều, đòi ly hôn nhưng ông xã thuyết phục hai vợ chồng đi du lịch để giải tỏa căng thẳng rồi sau đó sẽ đưa ra quyết định. Bất ngờ là ngay sau tháng đó mình trễ kinh 5 ngày, xét nghiệm máu và biết em bé đã đến.
Khi bệnh viện gọi thông báo, mình như vỡ oà, bật khóc ngay giữa đường vì mình đã có thể mang thai, điều mà bác sĩ bảo không thể đã trở thành có thể" - chị Liên kể.
Cả thai kỳ nằm bất động, sinh non ở tuần thứ 27, phải cắt luôn tử cung
Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng với chị Liên, 3 tuần sau chị đi siêu âm thì bác sĩ nói: "Rất khó giữ được thai vì u to quá, lại nhiều như thế này thì nó sẽ đẩy em bé ra ngoài mất".
Vì mang thai khá vất vả nên chị Liên về quê ngoại ở Sầm Sơn, Thanh Hóa để tiện cho việc nghỉ ngơi và có người chăm sóc. Giai đoạn đầu của thai kỳ, cứ đến đêm là chị Liên bị đau, chỉ nằm nghiêng sang trái để con có ô-xi, không dám uống thuốc giảm đau vì thuốc tốt cho mẹ nhưng lại hại cho con. Chị cũng không được ăn một số thực phẩm tốt cho thai vì "con ăn thì ít, u ăn thì nhiều". Khi mang thai được 4 tháng, chị phải nhập viện vì bị doạ sảy, sau đó về nhà phải nằm nghiêng trái, bất động.
Đến tuần thứ 24 của thai kỳ, chị lại được phen hú vía khi bác sĩ ở bệnh viện tỉnh kết luận độ mờ da gáy của thai nhi cao, có nguy cơ mắc hội chứng Down. Vì vậy, chị lại quyết định ra Hà Nội gặp PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương để siêu âm.
Chị Liên vẫn còn lưu lại đoạn ghi âm mà PGS.TS Trần Danh Cường nói: "Cả đời chẩn đoán chưa bao giờ tôi nghĩ cái tử cung này có thai được, kì diệu thật sự kì diệu. Thai không sao, về giữ thai để được ở bên nhau ngày nào thì tốt ngày ấy thôi, chứ khó lắm, nếu đứa bé này được sinh ra đời khỏe mạnh thì không còn gì để nói nữa".
Nghe vậy, chị Liên chỉ biết mình cần phải mạnh mẽ để "chiến đấu": "Con "chiến đấu" đến bên mẹ, mẹ "chiến đấu" để giữ con". Chị cũng quyết định đăng ký sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Nhưng rồi khi mang thai ở tuần 27 tuần, buổi trưa hôm đó chị bỗng dưng thấy mệt, ra máu nên lập tức nhập viện tỉnh theo dõi tim thai. Đã có lúc chị thấy máy báo nhịp tim của con còn 15 lần/phút và chị đã hét lên: "Bác ơi cứu con cháu".
Sau đó chị được gây mê, đến khi tỉnh dậy chị lập tức hỏi: "Anh ơi con em sống không?".
Hành trình mạnh mẽ "chiến đấu" cùng con giành giật sự sống
Con gái của chị Liên chào đời nặng 900gr, bé bị bệnh lý võng mạc do sinh non, theo dõi giãn não thất, thiếu máu, suy hô hấp, nhiễm trùng máu và được chuyển ngay sang bệnh viện Nhi của tỉnh. Bản thân chị Liên sau khi sinh xong cũng bị cắt tử cung hoàn toàn vì u to và nhiều, nếu để lại sẽ bị biến chứng hoặc không cầm máu được.
"Một tuần nằm ở viện sản là một điều khó vượt qua với mình. Nhìn gia đình khác hạnh phúc có con bên mẹ, mình chỉ khóc, đêm không dám ngủ để đợi tin của con, đợi họ gọi mang sữa cho con.
Cả khoa sản biết mình, trường hợp 30 tuổi cắt tử cung, con sinh non, nhìn đâu cũng thấy ánh mắt thương hại.
7 ngày sau, lần đầu mình được qua thăm con, dù đã chuẩn bị tinh thần rồi nhưng không nghĩ lại đau đến thế, nhìn con mà mẹ không thể không khóc. Sáng hôm sau, con lại được chuyển ra Hà Nội theo diện "Con quý hiếm, chuyển tuyến trung ương nuôi dưỡng tốt hơn". Mình lại theo con ra Hà Nội, nhà cách viện 5km, hàng ngày mình vắt sữa mang vào cho con, ấp kangaroo, rồi cũng đến ngày sức khỏe con ổn định được nằm ghép mẹ.
Lần đầu làm mẹ đã khó, mình làm mẹ của em bé 1kg, những việc như vệ sinh cho con, cho con bú, uống thuốc lại càng khó hơn. Rồi hàng ngày con phải tập rặn đi vệ sinh, cai máy thở, máy theo dõi... Để con có thể như một đứa trẻ bình thường về với bố mẹ" - chị Liên nhớ lại hành trình "chiến đấu" cùng con.
Vợ chồng chị Liên quyết định đặt tên cho con là Thanh Trúc, giống như cây trúc tuy nhỏ nhưng dài, mang sức sống bền bỉ dù thân có mỏng manh.
Sau 3 tháng thì cả nhà được xuất viện. Đến hiện tại, bé Thanh Trúc đã được 9 tháng tuổi (tuổi hiệu chỉnh là 6 tháng) và nặng 7,5kg. Trộm vía bé rất ngoan, ăn ngủ đúng giờ, không ốm vặt. Tình hình sức khỏe của Thanh Trúc cũng ổn định song vẫn còn phải theo dõi giãn não thất.
Sau tất cả, chị Liên muốn cảm ơn con gái vì đã cho chị một lần trong đời được mang thai, được làm mẹ, được biết cảm giác cho con bú, được yêu thương một thiên thần nhỏ. Đồng thời, khi chia sẻ câu chuyện của mình, chị cũng muốn được tiếp thêm động lực cho rất nhiều những người mẹ khác cũng đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc mang thai, sinh con như chị: "Hãy bình tĩnh, thiên thần sẽ gõ cửa".