CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Vụ ông Vũ Huy Hoàng: Lo bộ máy thành nhà trẻ trung ương

 

Sáng 20/7, bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, trao đổi với báo chí về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương, ông Bùi Sĩ Lợi, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, cho rằng đây là trách nhiệm cả Quốc hội khoá XIII.

Giám sát mà sao không phát hiện?

“Suốt một thời kỳ dài, chúng ta giám sát, theo dõi, tại sao không phát hiện? Nếu phát hiện được, xử lý ngay đi thì đã không xảy ra tình trạng như báo chí vừa nêu”, ông Lợi nói.

Đại biểu quốc hội Bùi Sĩ Lợi. Ảnh: Vietnamnet 

Tuy nhiên, đại biểu quốc hội này nhấn mạnh, “phải có niềm tin” bởi quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ là xử lý sai phạm không có vùng cấm.

“Ai vi phạm phải xử lý. Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng với công dân”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cũng khuyến cáo về cách thức giám sát hoạt động của bộ trưởng, các ngành.

“Tôi nghĩ đây là một bài học. Cả một nhiệm kỳ Quốc hội mà chúng ta không giám sát, không theo dõi, không nhắc nhở tư lệnh ngành, để xảy ra tình trạng này thì đó là một bài học cho Quốc hội khoá XIV”, ông Lợi nói.

Ông phân tích, vấn đề chức năng của Quốc hội là quyết định, làm luật nhưng giám sát là rất quan trọng. Nhà nước kiến tạo tạo thông thoáng nhưng cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, không thể để tồn tại bé xé ra to. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt nhưng vấn đề tiêu cực từ lúc còn nhỏ thì giảm bớt hậu quả.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng từ những dấu hiệu yếu kém trong điều hành, quản lý của ông Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ trước đến sự phát triển của ngành, ông Lợi cho rằng, những vi phạm đó thuộc về vấn đề điều hành, không phải tác động đến những vấn đề phát triển của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng công tác cán bộ, nếu không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của một ngành.

Lo bộ máy thành nhà trẻ trung ương

Trong khi đó, bàn về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, đại biểu Lê Như Tiến nêu vấn đề, "thời gian qua có rất nhiều ưu ái cho con của mình, cánh hẩu của mình".

Nếu còn áp dụng tiêu chuẩn trong tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo trình tự tiền tệ - ngoại lệ - hậu duệ - đồ đệ rồi cuối cùng mới trí tuệ thì bao giờ mới có lãnh đạo tốt, bao giờ mới có người tử tế.

Theo ông, nếu còn áp dụng tiêu chuẩn trong tiếp nhận, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo trình tự tiền tệ - ngoại lệ - hậu duệ - đồ đệ rồi cuối cùng mới là trí tuệ thì bao giờ mới có lãnh đạo tốt, bao giờ mới có những người tử tế trong cơ quan nhà nước được.

Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ, “tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân".

VAFI nêu 5 sai lầm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Trước đó, ngày 19/7, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản tiếp tục phản ánh về những sai lầm của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo VAFI, trong thời gian ông Vũ Huy Hoàng đương chức bộ trưởng, việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị. Lãnh đạo một số tập đoàn không phải là những người thành công và đi lên từ chính doanh nghiệp.

“Riêng Chủ tịch Sabeco hầu như không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp,  thành tích về quản trị doanh nghiệp. Đây là  vấn đề hết sức nguy hiểm trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”, đại diện VAFI cho biết.

Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC. 

Các tập đoàn, tổng công ty như Tổng công ty Thép, Tập đoàn Hóa chất, TKV ở một vị thế tài chính yếu so với 10 năm trước, phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay  bơm vốn như ở Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên…

Với việc Bộ Công Thương bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Sabeco, VAFI quả quyết rằng, tác động này của ông Vũ Huy Hoàng và những cá nhân có liên quan hoàn toàn mang đậm tính vụ lợi.

Ngoài ra, hiệp hội này cho rằng, ông Vũ Huy Hoàng đã chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC quản lý. Trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Sabeco, Habeco sau cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC.

“Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex… cùng các đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn vẫn chưa niêm yết ”, VAFI cho hay.

Cùng với đó, phong trào cổ phần hóa doanh nghiệp đi xuống và  trì trệ, không thể sôi nổi và tích cực như thời ông Hoàng Trung Hải làm Bộ trưởng.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho răng: "Đất nước cứ ưu ái cho con cái, "cánh hẩu" thì đi về đâu? Khi mà người ta cần công khai minh bạch, cần những người có phẩm chất, năng lực nhưng nếu ai cũng đưa con cháu, người thân vào bộ máy nhà nước thì như một số người dân nói, hóa ra bộ máy nhà nước là “nhà trẻ trung ương”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh