THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:33

Vụ nước sạch nhiễm dầu, người dân có quyền kiện doanh nghiệp cung cấp nước sạch

Theo Luật sư Lê Hồng Huấn, hành động đó là vi phạm hợp đồng, sai trái, lừa dối khách hàng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp này phải có trách nhiệm bồi thường hợp đồng, khắc phục hậu quả và thậm chí không loại trừ trường hợp của tội phạm hình sự vì đầu độc, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

Vụ nước sạch nhiễm dầu, người dân có quyền kiện doanh nghiệp cung cấp nước sạch  - Ảnh 1.

Công ty sông Đà thuê người dân vớt dầu thải với giá 500.000 đồng/ngày công từ ngày 9/10

Theo phân tích của Luật sư Lê Hồng Huấn: 

Thứ nhất, Căn cứ vào "Hợp đồng cung cấp nước sạch" được ký kết giữa khách hàng (các hộ dân) với Công ty cung cấp nước sạch thì đối tượng được bán, cung cấp cho khách hàng phải là sản phẩm đảm bảo phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Như vậy nếu có căn cứ chứng minh nguồn nước cung cấp cho khách hàng không đảm bảo thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình theo quy định tại Điều 56 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ.

- Thứ hai, quy định pháp luật về các hành vi sau bị cấm trong sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Theo quy định tại Điều 10, Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các hành vi sau bị cấm trong hoạt động cấp nước:

"Điều 10. Các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước

            1. Phá hoại các công trình, trang thiết bị cấp nước.

            2. Vi phạm các quy định về bảo vệ khu vực an toàn giếng nước ngầm, nguồn nước mặt phục vụ cấp nước.

            3. Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống nước thô, đường ống truyền tải nước sạch, các công trình kỹ thuật và mạng lưới cấp nước.

            4. Cản trở việc kiểm tra, thanh tra hoạt động cấp nước.

            5. Trộm cắp nước.

            6. Gây ô nhiễm nước sạch chưa sử dụng.

            7. Cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cấp nước.

            8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây phiền hà, sách nhiễu các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cấp nước.

            9. Đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

            10. Các hành vi phát tán chất độc hại và các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan.

            11. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cấp nước.

Như vậy, nếu đơn vị cung cấp nước vi phạm quy định nêu trên thì có thể bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 63 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

- Thứ ba, Theo quy định tại khoản 3, Điều 12 - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010:

"Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng "Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa".

Như vậy, nếu công ty cung cấp nước sạch biết được nước sinh hoạt cung cấp cho khách hàng không đảm bảo quy chuẩn mà không cảnh báo hàng hóa đó đến cho người dân sẽ vi phạm vào khoản 3, Điều 12 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vụ nước sạch nhiễm dầu, người dân có quyền kiện doanh nghiệp cung cấp nước sạch  - Ảnh 2.

Trước đó, như Dân sinh thông tin sáng 14/10, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 đến 11/10/2019.

Trong văn bản Viwasupco cho biết, vào 12h ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đội phục vụ công tác bảo về và vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân. Phát hiện sự việc trên, lực lượng bảo vệ đã báo cáo lên Phòng Trung tâm và lãnh đạo Cty cho hướng xử lý. "Dù kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch đầu ra của Phòng hóa nghiệm Công ty vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế", Tổng Giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn cho hay.

Trước thông tin dư luận cho rằng Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã ém thông tin nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu và không công bố kịp thời cho người dân dẫn đến nhiều hộ dân phải dùng nước bẩn, lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, phóng viên Báo Dân sinh đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Văn Tốn-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) để rõ sự việc nhưng ông Tốn không bắt máy.

THANH AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh