Vụ nuôi nhầm con 42 năm: Tìm ra 3 nữ hộ sinh
- Tây Y
- 20:00 - 11/03/2016
400 người sinh cùng ngày 10/10/1974?
Chiều 10/3, có mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - người bị trao nhầm con gái cách đây 42 năm - con gái ruột của bà là chị Tạ Thị Thu Vân liên tục nghe điện thoại của mẹ để cập nhật manh mối tìm em gái ruột.
Chị Vân kể, sau khi vụ việc nhầm con hy hữu gần nửa thế kỷ của gia đình chị được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có rất nhiều người tốt bụng chủ động tìm kiếm giúp gia đình, có người còn tìm ra được danh sách 400 người ở Hà Nội cùng sinh ngày 10/10/1974, sau đó lọc ra được 3 phụ nữ sinh sống tại quận Ba Đình.
Vợ chồng chị Vân cùng bà Thìn (cô ruột) cập nhật thông tin từ cộng đồng mạng
Trong ngày hôm qua, vợ chồng chị Tạ Thị Thu Trang (người bị trao nhầm cho bà Hạnh) đã tức tốc đi lần tìm địa chỉ 3 người phụ nữ nói trên. Tuy nhiên người thì sinh ra ở Bưởi, người là ở tỉnh khác chuyển đến, người còn lại đã vào Nam sinh sống.
"Chúng tôi sẽ liên lạc với người tốt bụng kia để xin lại danh sách sau đó tự lọc rồi tự đi kiếm dù biết rất khó. Chỉ sợ gia đình đó đã chuyển ra nước ngoài hoặc về vùng khác sinh sống ", chị Vân chia sẻ.
Đến 16h chiều 11/3, bà Hạnh (đang ở Anh) cũng vui mừng gọi về khoe chị Vân là đã tìm được 3 nữ hộ sinh làm việc tại Trung tâm Y tế quận Ba Đình khi xưa, tất cả đã ngoài 82 tuổi, trong đó một người tên Nguyệt, một người tên Liên.
Trong buổi tối cùng ngày, cả 4 người sẽ có cuộc nói chuyện qua điện thoại với hy vọng có thể tìm ra chút manh mối về cô con gái bị trao nhầm của bà Hạnh.
Chị Vân cho biết, có thể thời gian tới sẽ nhờ thêm hệ thống phát thanh để tìm lại em gái ruột của mình và mẹ ruột cho chị Trang.
2 lần xét nghiệm ADN và 1 tháng "đấu tranh" tư tưởng
Chị Vân cho biết, để quyết định công bố sự thật cho chị Trang, mẹ chị đã phải đấu tranh tư tưởng cả tháng ròng.
Vào tháng 7/2015, bà Hạnh từ Anh về Việt Nam. Tháng 9/2015, bà âm thầm đến Trung tâm xét nghiệm ADN Hà Nội để tiến hành xác định lại huyết thống sau lần kiểm tra lần thứ nhất cách 17 năm. Lần này, kết quả vẫn khẳng định chị Trang không phải là con ruột của bà. Tuy nhiên bà vẫn đắn đo chưa công bố.
"Sau nhiều đêm trằn trọc vì không biết Trang sẽ phản ứng tiêu cực hay tích cực khi nghe được tin sốc này, mẹ tôi mới lấy hết can đảm để công bố sự thật dù chúng tôi hết sức khuyên can. Bà bảo nếu nói ra mà Trang bỏ mẹ thì mẹ phải chịu", chị Vân kể.
Chị Thu Trang (áo xanh) chụp ảnh cùng bà Hạnh và chị Vân. Ảnh: NVCC
"Lúc đầu Trang rất sốc, khóc rất nhiều, phản ứng dữ vì thấy tủi thân. Trang rất giận mẹ tôi vì sao lại không nói sớm ngay từ đầu, nhưng sau đó thì Trang hiểu và không còn giận nữa", chị Vân kể và chia sẻ thêm là mẹ chị luôn đau đáu hy vọng những tháng ngày tới sẽ tìm được con gái ruột để xem mặt mũi ra sao, cuộc sống thế nào. Bà cũng chừng ấy mong mỏi mong chị Trang sẽ tìm thấy được mẹ ruột của mình.
Nhớ lại thời điểm vào thăm cháu tại nhà hộ sinh Ba Đình cách đây 42 năm, bà Tạ Thị Thu Thìn (cô ruột chị Vân) kể: "Vừa vào gặp chị Hạnh, chị ấy nói luôn hình như tôi bế nhầm con cô ạ. Vì tay tôi đeo số 33 mà chân con lại số 32".
Theo bà Thìn, thời điểm bà Hạnh sinh con, tại nhà hộ sinh Ba Đình chỉ có khoảng 10 sản phụ. Do vừa sinh không có sữa nên ngày hôm sau (11/10/1974), bà Hạnh mới được bế con và cho con bú.
"Ngay khi phát hiện nghi ngờ, bà Hạnh đã đi lật tìm từng đứa trẻ một để xem số ở chân, tuy nhiên có người cho lật, có người nhất quyết không cho nên chúng tôi không thể làm gì được và giấu sự thật đó trong suốt nhiều năm và vẫn luôn yêu thương Trang như con ruột", bà Thìn chia sẻ.
Cũng theo bà Thìn, kể từ lúc đưa khỏi nhà hộ sinh về nhà, chị Trang cứ khóc ngằn ngặt suốt đến khi 3 tuổi, dỗ cũng không nín. Nửa đêm bà Hạnh phải đưa con ra ngõ rong cho mọi người trong nhà ngủ.
"Nhưng lạ là từ bé đến lớn nó chẳng ốm đau bao giờ. Nó cũng rất sợ đi học, hồi thi vào cấp 3 cầm mỗi 2 tờ giấy với cái bút mà cứ vừa đi vừa khóc", bà Thìn cười hiền khi kể về chị Trang.