Vũ Hán hết phong tỏa, nhiều người tìm đến hàng thức ăn quen thuộc mới biết tin bà chủ đã qua đời
- Y học 360
- 02:35 - 10/04/2020
Ngày 8/4, Vũ Hán dỡ lệnh phong tỏa sau hơn 2 tháng chiến đấu khốc liệt với dịch Covid-19. Xe cộ đã nối đuôi nhau đông đúc trở lại, nhịp sống đô thị dần được phục hồi. Nhưng tại một góc cũ kĩ của thành phố, nhiều người lại cảm thấy trống trải khi thiếu đi hàng thức ăn quen thuộc.
Đó là hàng bánh mianwo của dì Hùng Quế Phụng trên đường Thẩm Dương. Bánh mianwo làm từ sữa đậu nành, sữa gạo, bột mì, sau đó đem rán lên và có hình dáng giống như bánh donut. Nó thường được dùng làm "đồ nhấm" khi uống rượu gạo hay ăn kèm với bát mì nóng hổi đặc trưng của Vũ Hán.
Món bánh mianwo trứ danh của Vũ Hán
Dì Hùng đã bán hàng được hơn 10 năm, sau khi từ vùng ngoại ô phía Bắc dọn về trung tâm thành phố. Xe thức ăn tuy nhỏ nhưng giúp cả gia đình nuôi lớn được 3 đứa con giữa đô thị phồn hoa. Ngoài ra, dì Hùng cùng hàng ăn sáng của mình đã "cứu đói" cho nhiều thế hệ người Vũ Hán trước khi đi học, đi làm.
Trong một phóng sự, dì Hùng nói mình thường thức dậy lúc 3-4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu, rồi rán bánh vào lúc 5 giờ. "Nhiều lúc, tôi nghĩ rằng mình không chỉ bán mianwo để nuôi sống gia đình mà còn để phục vụ cho bà con sống xung quanh. Hơn 10 năm nay, có nhiều người đã dọn đến nơi khác nhưng vẫn lặn lội về ăn bánh của tôi, nghĩ tới là thấy hạnh phúc lắm".
Quầy bánh rán của dì Hùng từng xuất hiện trong chương trình của Ergeng Video và một số phóng sự khác về Vũ Hán
Một người đàn ông họ Tăng cho biết cả nhà mình 3 thế hệ đều là khách hàng ruột của dì Hùng. "Đó là những chiếc bánh ngon nhất mà tôi được ăn. Tỷ lệ bột với sữa đậu nành rất vừa phải; vỏ ngoài mềm còn bên trong thì giòn rụm ngon lành" - ông nhớ lại.
Thế nhưng, những khách hàng quen thuộc như ông Tăng sẽ không bao giờ được ăn bánh mianwo trên góc đường Thẩm Dương nữa. Dì Hùng đã qua đời rồi!
Con gái dì Hùng mới đây chia sẻ trên mạng xã hội, nói rằng mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Sau khi có triệu chứng ho và khó thở, dì Hùng được nhập viện do nghi ngờ nhiễm virus corona. Tuy nhiên vài ngày sau, dì qua đời mà không được xác nhận nhiễm bệnh, do cả Vũ Hán đều thiếu khả năng xét nghiệm vào thời điểm dịch mới bùng phát.
"Tôi rất buồn khi nghe tin" - ông Tăng bày tỏ. Dù chỉ mua đồ ăn, nhưng ông đã thân thiết với dì Hùng khi nhiều lần chờ bánh gần cả tiếng đồng hồ. "Sau 2 tháng, chúng tôi mới ra khỏi nhà. Cảnh vật xung quanh vẫn còn đây nhưng nhiều người đã đi rồi".
Từng nôn nóng chờ tới ngày Vũ Hán hết phỏng tỏa để ăn lại món bánh quen thuộc, nhiều người bàng hoàng khi biết dì Hùng đã qua đời!
"Tôi đã lớn lên cùng với xe bánh mianwo của dì Hùng. Nghe tin dì qua đời mà không cầm được nước mắt" - một người ở Vũ Hán viết trên Weibo.
Một dân mạng khác bình luận: "Như trong phim Marvel, đột nhiên những người chúng ta quen biết đều biến mất khỏi thế giới này".
Sự ra đi của dì Hùng - một người bán hàng quen thuộc - đã khiến cho cộng đồng mạng ở Vũ Hán vô cùng xúc động. Bên cạnh nỗi tiếc thương, họ còn hoài niệm về khoảng thời gian bình yên và tươi đẹp trước đây. Ở thành phố 11 triệu dân, hơn 2.500 người được xác nhận tử vong vì nhiễm Covid-19, hơn 55.000 người khác lập tức rời đi khi thành phố gỡ lệnh phong tỏa. Nhưng với những người ở lại, cuộc sống phía trước sẽ còn nhiều chông gai và vết thương lòng cần thời gian rất dài để lành lại.
"Chúng tôi cảm thấy cay đắng" - một nhiếp ảnh gia họ Triệu, 33 tuổi, cho biết. Là một khách hàng quen thuộc, cô luôn nhớ đến món bánh mianwo nóng hổi và một bà chủ chân chất, lúc nào cũng đổ mồ hôi bên cạnh chảo dầu sôi, vất vả kiếm sống hàng ngày.
"Dì Hùng không chờ được tới mùa xuân ở Vũ Hán, ngắm hoa anh đào nở" - một người dùng Weibo bày tỏ.
Ông Tăng cho biết cách đây 1 năm, dì Hùng từng đùa rằng mình sẽ làm việc cật lực cho đến lúc chết. "Tôi liền bảo, dì không được chết. Nếu dì chết thì chúng tôi không có bánh mianwo để ăn nữa".
Không ngờ rằng lời nói bâng quơ hôm nào đã trở thành sự thật tàn nhẫn. Từ ngày dỡ lệnh phong tỏa, người Vũ Hán vào mỗi buổi sáng bước ra đường đều khắc cốt ghi tâm rằng thành phố đã thay đổi rất nhiều sau thảm kịch. Nhưng họ vẫn phải tiếp tục đứng lên và sống tiếp một cuộc đời thật ý nghĩa, thay cho phần của những người không còn cơ hội quý giá đó nữa.
(Theo SCMP)