Vụ giết 6 người: Cha mẹ băn khoăn tìm lối sống hiền lương
- Y học 360
- 14:34 - 15/07/2015
Chương trình thời sự 12h trưa 11/7 đưa tin cơ quan chức năng đã tìm ra nghi phạm vụ ám sát cả gia đình ở Bình Phước – anh Thanh (Cầu Diễn, Hà Nội) buông bát cơm thở dài: Hung thủ là bạn trai của con gái nạn nhân em ạ. Dã man quá! Còn chị Hương (vợ anh) thì tỏ ra lo lắng: Mình có hai cô con gái. Chúng cũng sẽ đến tuổi yêu – nhưng làm sao biết được kẻ xấu để tránh?
Chị Thu Hà, một bà mẹ hay có chia sẻ về chuyện dạy con cho biết, ban đầu chị chỉ biết sơ sơ vì "cảm thấy vụ việc quá xa mình".
Nhưng từ lúc có tin "nghi phạm là người yêu của cô con gái" thì chị rụng rời hết cả chân tay.
"Trái tim của người mẹ, cũng như của hàng triệu ông bố bà mẹ khác, bỗng thấy việc ở Bình Phước có liên quan tới nhà mình. Con mình ngày sau chắc cũng sẽ phải yêu ai đó..."
Công an khám nghiệm hiện trường truy tìm dấu vết hung thủ để lại trong căn biệt thự 6 người bị sát hại dã man
Người mẹ tuổi sắp 40 trăn trở làm sao để con mình biết người yêu là tử tế, làm sao để chia tay êm ả sau một cuộc tình,...
Chị đặt vấn đề: "Có nơi nào dạy con trẻ con cách nhìn người? Có nơi nào dạy con yêu, dạy cách chọn người yêu, dạy cách chia tay mà không tạo hận thù....?”
Rồi chị kết luận: Chả có trường nào, chỉ có cha mẹ. Cuối cùng thì có lẽ quan trọng nhất vẫn là thời gian. Thời gian của ba mẹ dành cho con. Nếu bố mẹ quá bận rộn để làm việc, để kiếm tiền, thì dù đồng tiền đó có lương thiện, cũng là thiệt thòi cho con. Ba mẹ khó mà yêu con đủ và trang bị cho con vốn sống đủ. Con sẽ như đứa trẻ đói tình thương. Và khi đói rồi thì ăn tạp lắm, mù quáng lắm” – đúc kết của một bà mẹ.
Trẻ rất dễ nhiễm bạo lực?
Chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân, Công ty tư vấn Linh Tâm, xét theo tâm lý tội phạm học từ một tài liệu tâm lý của nước ngoài người ta lý giải là dù có phòng tránh thế nào cũng khó để xảy ra thảm kịch với ai đó. Tuy nhiên, biết cách đề phòng thì xác suất sẽ nhỏ hơn, còn tội ác vẫn cứ diễn ra.
Các phân tích về tội phạm học - nghĩa là người ta có thể nhận biết hình dáng, tâm lý của một người để tính xác suất họ có thể trở thành kẻ giết người hay không.
“Với những tội phạm thế này cần phải giáo dục con cảnh giác và không nên bỏ qua các dấu hiệu của tính cách côn đồ” – chị Ngân lý giải. Ví như, các cô gái nhiều khi thấy hãnh diện khi người yêu bảo vệ mình trước kẻ trêu chọc...Nhưng khi bảo vệ bằng bạo lực, bằng cách đánh hay trả thù là một dấu hiệu cực xấu của tính cách sử dụng bạo lực để quyết định sức mạnh.
Nhà báo Trần Lệ Thùy, một người nghiên cứu báo chí tại ĐH Oxford (Anh) kể lại, cách đây mấy năm, khi viết bài báo về nguyên nhân tội ác, chị đọc một cuốn sách dạy đạo đức ở Mỹ để xem họ chống tội ác thế nào.
Chị chia sẻ trên Facebook: "Người Mỹ nghiên cứu và thấy rằng trẻ em không phân biệt được phim ảnh và cuộc sống thật và rất dễ nhiễm bạo lực nếu xem phim có cảnh bạo lực.Vì thế, họ quản lý chặt chẽ phim ảnh bạo lực, đặc biệt với người xem là trẻ em".
Trước 7 tuổi, nếu "trung tâm đạo đức" trong tư duy của trẻ không được thiết lập, như lòng yêu người, tính trung thực, hiền lương, chỉ sử dụng kết quả lao động của mình, không lấy của người khác… thì sau này khi lớn lên, sẽ rất khó dạy đạo đức cho trẻ.
Khởi động "trung tâm đạo đức" của trẻ
Theo nhà báo Trần Lệ Thùy, hiện tượng trẻ em 3-4 tuổi ngồi xem phim đâm chém trả thù cùng bố mẹ là chuyện bình thường. Bố mẹ, nhà trường không còn chú trọng việc khởi động được "trung tâm đạo đức" trong tư duy của trẻ nữa. Nhiều người lớn, ngay cả giáo viên, cũng bị rối trí vì đạo đức xã hội, không còn chắc chắn là việc sống hiền lương có thể là điều tốt nữa thì làm sao có thể dạy được trẻ...
Chuyên gia tâm lý Dương Kim Ngân bổ sung:
“Để khởi động được "trung tâm đạo đức" trong tư duy của trẻ nhà trường nên xây dựng các khóa học về kĩ năng - giáo dục kĩ năng xử lý các mối quan hệ và mâu thuẫn một cách hòa bình, tôn trọng và không bạo lực’ – lời chị Ngân. Ngay chính giáo viên cũng không sử dụng bạo lực với học sinh theo cách này hay cách khác để trẻ hình thành quan niệm rằng người mạnh là người có quyền lực.
Chị Ngân cũng giải đáp những băn khoăn của các bà mẹ: Làm sao để nó biết được người đó có tử tế không? Làm sao khi biết người đó không hợp nó có thể chia tay một cách êm ả. Làm sao để nó nghe và tin mẹ hơn tin người yêu?
Trước hết, giữa mẹ và con gái cần giữ được sự tin tưởng của con để con nói với mẹ mọi điều mẹ mới có thể cùng con vượt qua khó khăn được.
Con gái tuổi mới lớn rất sợ bị phán xét. Cho nên, các mẹ luôn để con biết rằng con không bao giờ sai, chỉ có hành động là chưa đúng. Mà hành động có thể sửa chữa được.
“Bạo lực có thể phòng ngừa trước ngay từ những dấu hiệu nhỏ” – chị Ngân đúc kết.
Tuy nhiên, có một điều chị Ngân cho là "kinh điển" mà câu trả lời chỉ có thể ở các ông bố, bà mẹ. Theo chị Ngân, "giáo dục tức là làm gương". Cha mẹ lo lắng khi xung quanh có lối sống "không hiền lương", vậy có bao giờ tự hỏi trong các hành vi cá nhân của mình, hay trong công việc (việc tư lẫn việc công), mình có phải đã đủ "tử tế, lương thiện" hay chưa?