CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:02

Vụ Formosa đổ bùn thải: Có thể xử lý hình sự

Chất thải của Formosa tại trang trại giám đốc Cty Môi trường Kỳ Anh. Ảnh: Minh Thùy.

Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc chôn lấp chất thải rắn của Formosa trong trang trại là vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn công nghiệp. Bộ trưởng TN&MT nói đưa chất thải nguy hại chôn lấp có thể bị xử lý hình sự.

Nhiều độc tố, kim loại nặng trong bùn thải

Bùn thải Formosa thải ra là bùn thải gì, mức độ độc hại như thế nào? Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, theo báo cáo của Formosa và Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh, số lượng chất thải của Formosa đã đưa ra khỏi nhà máy là 267 tấn. Trong đó, bùn thải sinh hoạt là 77 tấn, bùn thải công nghiệp thông thường là 189 tấn.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1, bùn thải ra từ Formosa gồm nhiều loại, trong đó có bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hóa của nhà máy luyện cốc.

Theo các chuyên gia, nếu là bùn thải của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thì không đáng lo nhưng nếu là bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hóa của nhà máy luyện cốc thì rất đáng lo ngại, vì chứa nhiều độc tố như phenol, xyanua, kim loại nặng. Một chuyên gia xử lý nước thải cho biết, nước thải của quá trình luyện cốc rất độc. Kết quả phân tích tại hệ thống xử lý nước thải sinh hóa ở nhà máy này cho thấy, hàm lượng phenol dao động từ 600 đến 1.500 mg/l (giới hạn cho phép thải ra là 0,585mg/lít), xyanua từ 50 đến 70 mg/l (giới hạn cho phép thải ra môi trường là 0,585mg/lít). Trong quá trình xử lý nước thải, các độc tố này có thể chuyển về bùn thải.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, các cơ quan chức năng đang phân tích mẫu để đánh giá chất thải của Formosa là chất thải rắn công nghiệp hay chất thải nguy hại (pháp luật Việt Nam chia chất thải rắn thành 3 loại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại-PV). Nếu kết quả phân tích cho thấy, có ít nhất một trong số 26 chỉ tiêu chạm ngưỡng nguy hại (Theo QCVN 50/2013-BTNMT về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước) thì chất thải này sẽ thuộc nhóm chất thải nguy hại và được kiểm soát rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Khắc Kinh, trong trường hợp không thuộc nhóm nguy hại thì nhóm chất thải của Formosa vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và phải được quản lý chặt chẽ theo quy định.

TS Kinh cho biết, trong trường hợp bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hóa của nhà máy luyện cốc ở Formosa, có thể các chỉ tiêu như chì, thủy ngân, cadimi, dầu mỡ khoáng, độ pH... chưa đạt đến ngưỡng nguy hại để xếp vào chất thải nguy hại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không nguy hại, bùn thải này chứa nhiều độc chất, đặc biệt là kim loại nặng. Vì thế, nếu không xử lý đúng quy trình, quy định kỹ thuật thì nguy cơ ô nhiễm rất cao. Các chất gây ô nhiễm như kim loại nặng có thể ngấm xuống đất, ngấm xuống nước ngầm gây ô nhiễm đất, ô nhiễm  nước.

Đổ bừa là phạm luật 

TS Kinh cho biết thêm, bãi chôn lấp chất thải công nghiệp hay chất thải nguy hại cũng đều phải được thiết kế theo chuẩn mực, có thể được thiết kế đơn giản hoặc phức tạp tùy theo điều kiện địa chất bên dưới. Ví dụ, dưới đất có lớp sét dày, không có đứt gãy thì bãi chôn lấp có thể làm lớp địa kỹ thuật đơn giản. Nếu bên dưới khu vực chôn lấp không có lớp sét hoặc đất có độ thấm cao, nhiều đứt gãy thì thiết kế bãi chôn lấp phức tạp để làm sao thu gom được nước rỉ mang đi xử lý.

Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu cũng quy định, với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, khi triển khai dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

“Không thể đổ bừa bãi xuống đất. Nếu là phân bón cũng phải được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT và phải có quy trình bón chứ không phải bón bao nhiêu cũng được. Việc đổ bừa bãi như thế là vi phạm pháp luật”, TS Kinh nói.

Có thể truy trách nhiệm hình sự

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong trường hợp đổ thải của Formosa ở Hà Tĩnh, việc quan trọng là chờ kết quả phân tích mẫu chất thải. Tùy vào kết quả phân tích để xếp loại chất thải ấy là chất thải rắn công nghiệp hay chất thải nguy hại. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm của chủ nguồn thải phát sinh (ở đây là Formosa), kiểm tra làm rõ năng lực, trách nhiệm, pháp lý của đơn vị nhận xử lý chất thải này, bao gồm đơn vị vận chuyển và xử lý.

Ông Hà cho biết thêm, trong trường hợp đưa chất thải nguy hại chôn lấp, gây hủy hoại môi trường có thể xử lý hình sự. “Chắc chắn việc này Bộ TN&MT cũng như địa phương, người dân đều mong muốn phát hiện sai đến đâu xử lý thật nghiêm đến đấy để răn đe”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, đoàn công tác của Bộ TN&MT đang ở Hà Tĩnh để phối hợp kiểm tra, theo dõi việc xử lý có tuân thủ quy định pháp luật không. Đoàn cũng lấy mẫu gửi ra Hà Nội để phân tích.

Được biết sớm nhất vào cuối tuần này sẽ có kết quả phân tích.

Kết quả phân tích trước đó không có ý nghĩa 

Tháng 12/2015, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh lấy một số mẫu bùn thải công nghiệp của Formosa gửi phân tích tại Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng 14 chỉ tiêu được phân tích chưa tới ngưỡng chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, ông Trần Hồng Hà cho rằng, kết quả phân tích ấy không có ý nghĩa gì mà phải dựa vào kết quả phân tích các mẫu chất thải mà Formosa đang thải ra môi trường. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh