THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:31

Vụ Formosa, ông Võ Kim Cự nên thông tin cho báo chí, thay vì né tránh

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi họp báo

Đặt câu hỏi với nữ Chủ tịch Quốc hội, phóng viên nêu việc một số ĐBQH có tình trạng né tránh hoặc ngại tiếp xúc, trả lời báo chí liên quan đến những vụ việc nhạy cảm, được dư luận quan tâm, cụ thể như trường hợp của ĐBQH Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ cấp phép đầu tư cho Formosa.
Trả lời câu hỏi nêu trên của phóng viên tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ĐBQH có quyền trả lời hay không trả lời báo chí về cảm nhận của riêng mình với những vụ việc cụ thể, điều này còn tùy thuộc vào kiến thức và thông tin mà ĐBQH có được về vấn đề đó.
Đối với vấn đề các cơ quan báo chí nêu việc ông Võ Kim Cự né tránh báo chí, bà Ngân cho rằng, việc ông Võ Kim Cự tránh là quyền của ông, nhưng bà sẽ gặp ông Cự để nhắc là Đại biểu Quốc hội phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là khi giai đoạn đó mình đang là lãnh đạo tỉnh nhà.
"Chẳng hạn với vụ việc Formosa, trong gần 500 ĐBQH, không phải tất cả ĐBQH đều hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, ĐBQH là người đại diện của dân, nói lên tiếng nói của dân nên nếu ĐBQH có thông tin đầy đủ, đã là ĐBQH thì nên chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, như thế sẽ tốt hơn là né tránh", Chủ tịch QH khẳng định.


Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội chắc chắn sẽ giám sát việc bổ nhiệm nhân sự ở các cơ quan nhà nước, sau khi có nhiều vụ sai phạm liên quan đến bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở một số Bộ ngành, địa phương thời gian qua. Quốc hội sẽ giám sát và chỉ ra rõ ràng xem việc bổ nhiệm cán bộ có đúng tiêu chuẩn hay không chứ không phải chỉ là đúng quy trình.

“Quy trình bổ nhiệm cán bộ thì có lẽ trường hợp bổ nhiệm nào cũng đúng quy trình cả nhưng quy trình là điều kiện cần chứ chưa đủ, phải có tiêu chí, phải đánh giá đồng chí được bổ nhiệm có xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm hay không. Cũng giống như Quốc hội thông qua luật, ban hành luật đều đúng quy trình nhưng có những luật chưa khả thi. Quốc hội chắc chắn sẽ giám sát vấn đề bổ nhiệm nhân sự” – nữ Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Trên tinh thần kế thừa những thành quả đã đạt được của Quốc hội 70 năm qua và của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thông điệp của Quốc hội khóa XIV muốn gửi đến nhân dân sẽ là: “Quốc hội khóa XIV sẽ là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo, một Quốc hội hành động vì lợi ích nhân dân, vì danh dự, sự tự hào dân tộc và vì hạnh phúc của nhân dân”
Nói về những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp, trong đó sẽ đổi mới quy trình làm việc của Quốc hội, nâng cao chất lượng trong các nội dung làm việc của Quốc hội, chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, thảo luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc nâng cao chất lượng lập pháp, xây dựng và ban hành luật là nhiệm vụ hết sức quan trọng để tránh tình trạng ban hành luật khung, luật ống, luật thiếu khả thi.
Về cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà học hỏi được rất nhiều điều từ Chủ tịch tiền nhiệm là Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng, tuy nhiên có 2 kinh nghiệm quan trọng: đó là bản lĩnh chính trị và tính quyết đoán.

“Theo tôi đó là 2 vấn đề quan trọng của người lãnh đạo. Bản lĩnh chính trị cần được thể hiện khi người lãnh đạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực. Còn tính quyết đoán là phải quyết đoán nếu người lãnh đạo nhận thấy vấn đề là đúng, nếu quyết định sai thì phải chịu trách nhiệm” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh