CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 04:05

Vốn vay từ Nghị quyết 11: Tạo động lực cho lao động Hà Tĩnh khởi nghiệp

  

Ngay sau khi nhận được nguồn vốn Trung ương phân bổ, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo nhu cầu đối tượng vay vốn, đảm bảo đúng quy định. Tập trung giải ngân vốn giải quyết việc làm, giúp người dân vượt qua khó khăn.

Ngay từ đầu năm, Sở Lao động - TB&XH tỉnh Hà Tĩnh và Ngân hàng chính sách tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tích cực rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vốn, giải ngân kịp thời khi được giao vốn; bảo đảm công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tránh trục lợi chính sách.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Thức cho biết:  "Ba năm qua dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình lao động, giải quyết việc làm tại địa phương. Tình trạng người dân không đi làm xa, ở lại địa phương muốn tìm sinh kế tại chỗ, nhưng thiếu vốn sản xuất khá phổ biến. Nắm chắc nhu cầu trên, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định hồ sơ, tư vấn mô hình kinh doanh phù hợp với từng đối tượng vay vốn. Nhờ đó, nhiều lao động trên địa bàn đã kịp thời vay được tiền để giải quyết việc làm, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập cao".

"Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa, NHCSXH Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ và quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc việc cho vay bảo đảm đúng đối tượng, điều kiện và mục đích vay vốn theo quy định. Chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thực hiện rà soát các đối tượng, nhu cầu vốn vay để giải ngân kịp thời.

Ông Phạm Xuân Nghị ở xã Phúc Đồng, huyện Thanh Khê (Hà Tĩnh) vay vốn từ NQ 11 đầu tư trang trại GQVL ổn định

Ông Phạm Xuân Nghị ở xã Phúc Đồng, huyện Thanh Khê (Hà Tĩnh) vay vốn từ NQ 11 đầu tư trang trại GQVL ổn định

Bên cạnh đó, đơn vị cũng quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất. Ngay khi nhận được nguồn vốn từ Trung ương phân bổ về, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai cho vay nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân có nguồn vốn phục hồi, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập”. 

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, đến nay chi nhánh Hà Tĩnh thực hiện tăng trưởng hơn 172,5 tỷ đồng (đạt 93,9% kế hoạch). Trong đó, cho vay nhà ở xã hội, dư nợ đạt 269,6 tỷ đồng, tăng 172 tỷ đồng so với năm 2022, với 716 khách hàng đang dư nợ, đạt 89,1% kế hoạch; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, dư nợ đạt 190 tỷ đồng với 5.300 khách hàng, bằng với cuối năm 2022; cho vay học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến có dư nợ đạt 53,5 tỷ đồng, tăng 714 triệu đồng so với năm 2022 với 3.209 khách hàng đang dư nợ, đạt 99,8% kế hoạch; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập với dư nợ đạt 2.437,3 triệu đồng, giảm 232,7 triệu đồng so với năm 2022 với 32 khách hàng đang dư nợ, đạt 91,3% kế hoạch.

Theo ông Lê Viết Thông, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần quan trọng giúp người nghèo ở địa phương thay đổi tư duy làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại Hương Khê đã giảm rõ rệt, năm 2021 là 5,98%, năm 2022 giảm còn 4,63%; tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2021 là 6,12%, năm 2022 giảm còn 4,46%. 

Ông Nguyễn Tiến Thức, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Tĩnh, chia sẻ thêm: “Trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tập trung tổ chức triển khai quyết liệt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, thực hiện thu hồi nợ đến hạn cho vay quay vòng sử dụng tối đa hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo dư nợ thực tế sát với dư nợ kế hoạch tại mọi thời điểm trong năm, phấn đấu đến 30/9/2023 hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch được giao; tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn trên địa bàn để xin Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, đặc biệt là các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo quy định”.  

"Đồng thời, chi nhánh sẽ chủ động tham mưu cho UBND cấp xã công tác rà soát bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ có mức sống trung bình, làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay các chính sách tín dụng chính sách; để nguồn vốn vay giải quyết việc làm theo NQ 11 được hiệu quả, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng giao dịch xã, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn… nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, đạt hiệu quả cao tronng công tác cho vay, đảm bảo nguồn vốn được giải ngân đúng người, đúng đối tượng, đạt hiệu qura cao" .   

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh