Vợ thể thao, chồng vào bếp
- Y học 360
- 18:08 - 11/08/2017
Từ khoảng 5 giờ chiều, làng Đồng Chạ đã chộn rộn bước chân của các mẹ, các chị đổ về nhà văn hóa thôn. Đội bóng chuyền của thôn hôm nay đánh giao lưu với đội bóng ở một địa phương khác. Trang phục chuẩn như các nữ bóng chuyền chuyên nghiệp, các mẹ, các chị nhanh chóng nhập cuộc đầy hứng khởi.
“Nhanh lên vợ, đội bóng đang chờ!”
Chạy dọc qua các thôn của xã, âm thanh người ta dễ bắt gặp nhất từ khoảng chập choạng tối cho đến tận 20 giờ là tiếng đánh bóng xen vào tiếng cười nói rôm rả của các cầu thủ nữ lẫn đội cổ vũ.
“Đập luôn…! Ăn rồi!”, những tiếng hô to sôi nổi, vang lên liên tục trong nhà văn hóa làng Đồng Chạ, nơi đang duy trì thường xuyên hai sân bóng chuyền chính. Mà thật lạ, những cầu thủ có mặt ở cả hai sân, nói như một cán bộ địa phương, đều là “đối tượng nhận quà ngày 8-3”. Đàn ông nếu có xuất hiện chỉ đóng vai trò là người cổ vũ hay “xe ôm” cho vợ.
Ông Cao Văn Thơm, Trưởng thôn làng Đồng Chạ, xác nhận thông tin trên rồi bổ sung: “Đàn ông làng này chắc giờ đang ở nhà thổi cơm cho vợ rồi. Có ông lúc nãy còn chở vợ đến đây rồi phải về nhà nấu cơm hoặc làm nốt việc nhà”.
Khi được hỏi về tần suất đánh bóng, một chị vừa dứt màn phát bóng lên vừa nói như hét: “Đều như vắt chanh, ngày nào cũng đánh, chỉ trừ hôm mưa to thì mới phải nghỉ thôi”.
Chúng tôi đến nhà anh Phạm Văn Vũ, gia đình anh có cửa hàng buôn bán đồ cơ khí. Trong khi vợ đang xúng xính chuẩn bị áo quần ra sân tập thì anh đang quệt mồ hôi, chạy đi chạy lại trong quán bán hàng.
“Chị đi đánh bóng thường xuyên như thế anh có phiền không, rồi ai nấu cơm cho anh với các cháu?” - chúng tôi hỏi. Anh đáp lại: “Ban đầu cũng có tí lộn xộn nhưng giờ vợ chồng thống nhất rồi nên xuôi lắm. Việc thì cứ hòm hòm, chưa xong mai làm tiếp, lo gì!”.
Khi chị em đánh bóng, đàn ông làm trọng tài. Ảnh: VIẾT THỊNH
Chị Phạm Thị Liên, một trong những tay bóng cứng từ khi thành lập đội bóng cho đến nay, còn kể có hôm chị đang ở trên đồng, có đội bóng xuống giao lưu với đội, chưa kịp về chồng đã gọi điện thoại nói: “Nhanh nhanh về mà đánh chứ đội bóng đang chờ”.
Đi dọc các sân bóng của các thôn, từ Dương Huệ, Cửa Hà cho tới Tử Niêm thấy rõ một không khí thể thao sôi nổi. Có những nơi cả đàn ông và đàn bà chia nhau ra làm hai sân, ba người đàn ông đánh với sáu chị phụ nữ. Đội nào thua phải bỏ tiền mua nước uống cho cả đội. Có nơi một đội bóng lại tề tựu đủ lứa tuổi, từ đàn ông cho tới đàn bà, từ người già cho tới người trẻ… Đâu đâu cũng rộ lên tiếng cười, tiếng vỗ tay sau mỗi lần bóng dứt.
Đánh bóng chuyền, tăng bình quyền
Từ phong trào của một thôn, đến nay các sân bóng chuyền của các chị, các mẹ đã lan ra nhiều thôn, thậm chí nhiều xã trong huyện. Chỉ riêng ở xã Cẩm Phong, trong tám thôn thì đã có bốn thôn duy trì đều đặn phong trào này.
Điều dễ nhận thấy nhất khi chứng kiến không khí luyện tập và thi đấu của các cầu thủ nghiệp dư đó là sự năng động và vui vẻ.
Bà Hà Thị Bình năm nay tuổi đã cao nên gia nhập đội bóng chuyền hơi. Bà tâm sự: “Chuyện bị ngã, chấn thương nhẹ thì cũng gặp rồi. Nhưng hôm nào không ra đánh là nhớ lắm. Có hôm tôi thấy hơi ốm nhưng ở nhà thì càng mệt, ra đánh được mấy cái thấy khỏe hẳn lên”. Các cầu thủ U-56-60 khác cũng chêm vào: “Đánh quen rồi, nghỉ lâu là ốm hơn đấy cháu à!”.
Nói về không khí thể thao của thôn, Trưởng thôn Cao Văn Thơm cho hay ban đầu khi thôn vận động chị em tham gia đánh bóng, nhiều người cũng bỡ ngỡ lắm. “Có người còn cười oang oang bảo “chúng em chỉ biết chân lấm tay bùn chứ biết gì bóng với bánh”. Thế mà bây giờ hầu như ai cũng tham gia, đông đến mức cứ phải chia nhau ra từng đội đánh, đội nào thua phải ra ngoài cổ vũ, chờ” - ông Thơm nói.
Cũng theo ông Thơm, trước đây ở thôn cũng như nhiều nơi khác đánh bóng chuyền là việc của đàn ông, còn phụ nữ mặc định là phải ở nhà chăm lo công việc và gia đình. Chính vì vậy, việc gây dựng và phát triển phong trào bóng chuyền nữ đã làm thay đổi nhận thức cố hữu đó của người dân địa phương.
Chúng tôi đặt chân đến thôn Tử Niêm cũng là lúc khói bếp đã xô lên nhiều mái nhà, xã đã lên đèn. Sân bóng chuyền nữ của thôn cũng đèn điện sáng rực. Người đàn ông duy nhất có mặt trên sân bóng chuyền đang đảm nhận vị trí trọng tài. Dưới sân, những chị em chân lấm tay bùn vẫn hăng say với trái bóng, bất chấp thời gian đang trôi dần về đêm. “Có hôm “máu” quá là phải đánh đến 8 giờ tối. Về phát thấy chồng đã nấu nướng xong xuôi chờ cơm rồi” - một cầu thủ nữ cất tiếng.
Ông Cao Văn Thơm, Trưởng thôn làng Đồng Chạ, xác nhận phong trào bóng chuyền nữ phát triển ở xã không chỉ tạo nên không khí thể thao sôi động, lành mạnh mà còn làm thay đổi nhiều vấn đề khác nữa, như ý thức cộng đồng được tăng lên, sức khỏe chị em cũng tốt lên nhiều nên năng suất lao động, sản xuất và chăm lo cho gia đình cũng tốt hơn. |