THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:38

Vợ chồng có quyền quyết định số con?

 

Theo phương án 1 này, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến hai con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Theo Bộ Y tế, việc quy định chính sách theo phương án này có ưu điểm là tôn trọng, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền sinh sản theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật

Ảnh minh họa. Nguồn: TD.


Đồng thời, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số. Phù hợp với các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương về quyền sinh sản. Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2014, Việt Nam đã ủng hộ cam kết với Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994, trong đó nêu rằng quyền sinh sản được hiểu là việc các cặp đôi và cá nhân có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. Thể hiện đúng đường lối của Đảng về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình với các giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu là tuyên truyền, vận động và giáo dục, gắn với cung cấp dịch vụ KHHGĐ thuận tiện, an toàn và đến tận người dân, có chính sách khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần, tạo động lực thúc đẩy thực hiện kế hoạch hóa gia đình sâu rộng trong nhân dân.
Mặt khác, việc quy định chính sách này phù hợp với thực tế hiện nay, khi đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế liên tục trong 10 năm qua. Tổng tỷ suất sinh đạt 2,11 (1/4/2005) và 2,1 (1/4/2015). Các nguyên nhân tiếp tục làm mức sinh giảm ngày càng tác động mạnh là phát triển và đô thị hóa, vô sinh có xu hướng gia tăng.
Hiện nay mức sinh có sự khác biệt khá lớn giữa các địa phương, vì vậy, theo phương án này, cũng sẽ tạo chủ động cho các địa phương trong việc điều chỉnh mức sinh cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo phương án này, Nhà nước khó kiểm soát được mức sinh và để kiểm soát được mức sinh thì phải chi phí tốn kém cho việc tuyên truyền, vận động và chính sách khuyến khích lợi ích vật chất cho người thực hiện.
Ở khía cạnh khác, không có căn cứ pháp lý, không có chế tài xử lý người vi phạm sinh nhiều con. Và có thể làm tăng mức sinh vì các nguyên nhân làm tăng mức sinh vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện một nước chưa phát triển với tỷ lệ dân số nông thôn còn chiếm tới gần 70%.
Còn phương án 2, quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Theo Bộ Y tế, kinh nghiệm của các nước trên thế giới đi trước cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức rất thấp, khó kéo lên được, dân số suy giảm để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai. Hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng rất khó khăn; Trung Quốc cũng đang nới lỏng dần chính sách sinh một con bằng chính sách sinh một con rưỡi hoặc hai con…
“Bộ Y tế lựa chọn phương án 1 quy định quyền sinh sản vì việc khắc phục nhược điểm sẽ thuận lợi hơn so với phương án quy định cụ thể về số con”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh