Virus bí ẩn tàn phá các hồ nuôi tôm TQ: Nhiều người chăn nuôi mất trắng, nhà khoa học bó tay
- Bác sĩ
- 02:10 - 16/04/2020
Các hộ nuôi tôm tại Trung Quốc đang hết sức lo lắng do loại virus lạ đang xâm nhập các hồ nuôi tại tỉnh Quảng Đông, khiến sản lượng tôm sụt giảm mạnh và đe dọa sinh kế của hàng chục nghìn hộ gia đình, theo SCMP (Hồng Kông).
Theo người nuôi tôm, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014, loại virus có tên là Decapod iridescent 1 (Div1) đã lây nhiễm khoảng 1/4 trang trại nuôi tôm.
Div1 không gây hại cho người nhưng khiến ngành nuôi tôm tại Trung Quốc lo lắng về một hệ quả có thể phải đối mặt tình trạng tôm chết hàng loạt ở quy mô tương tự như khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi, xóa sổ tới 60% đàn lợn tại nước này.
“Tốc độ lây lan và số lượng tôm chết này thật đáng sợ. Chỉ cần 2-3 ngày sau khi phát hiện dấu hiệu mắc bệnh đầu tiên là cả hồ tôm sẽ chết”, ông Wu Jinhong, nông dân nuôi tôm tại thị trấn Da’ao, Jiangmen chia sẻ với SCMP.
1/4 các trang trại nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông đã bị nhiễm một căn bệnh mới gây chết người virus Div1 gây thiệt hại không nhỏ tới thu nhập của người dân. Ảnh: Xinhua
Theo các chủ hồ nuôi, các dấu hiệu bị nhiễm bệnh được ghi nhận là tôm đỏ thân, mềm vỏ và chìm xuống đáy ao. “Div1 ảnh hưởng đến hầu hết các loại tôm nuôi phổ biến và ở tất cả cỡ tôm dù lớn hay nhỏ. Một khi nhiễm bệnh, chúng ta chẳng thể làm gì để ngăn chặn sự lây nhiễm. Chỉ vài ngày sau là các hồ nuôi bên cạnh cũng sẽ nhiễm bệnh”, ông Zhong Qiang, một hộ nuôi tôm tại thành phố Chu Hải nói.
Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu thủy sản Trung Quốc lần đầu tiên xác định một loại virus bí ẩn ở tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang vào tháng 12/2014. Mặc dù gây hại nghiêm trọng và lây lan nhanh nhưng Div1 không được chú ý ở thời điểm này vì được kiểm soát tương đối tốt. Đến năm 2018, virus Div1 đã được tìm thấy trong các trang trại nuôi tôm ở 11 tỉnh khác ngoài Chiết Giang. Dịch Div1 nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2019, khi toàn bộ lưu vực đồng bằng Châu Giang đồng loạt nhiễm bệnh. Tại thị trấn Da'ao, 65% ao nuôi bị nhiễm virus dẫn đến thua lỗ nặng, ảnh hưởng sinh kế của 20.000 người nuôi tôm trong khu vực này.
“Dịch Div1 gây thiệt hại cho người nuôi tôm không khác gì dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn Châu Phi”, ông Dai Jinzhi, chủ hộ nuôi vừa phát hiện 6 ha mặt nước nhiễm bệnh cho biết, chi phí tát cạn nước ở các hồ nuôi đang chứa 3,7 tấn tôm lên tới 100 nghìn NDT (14 nghìn USD)
“Chúng tôi không còn cách nào khác là rút hết nước và bán tôm với giá rẻ mạt. Sau đó để hồ khô cạn trong ít nhất 2 tháng. Một số hồ đã tiếp tục bị nhiễm bệnh lần 2 do thả tôm giống vào hồ quá sớm. Do vậy, tôi chẳng dám nuôi tôm lại ngay, đợi thời tiết ấm lên đã”, ông Dai nói thêm.
Dịch Div1 sẽ giảm bớt vào mùa hè và mùa thu khi nhiệt độ cao, thường sẽ tái phát vào tháng 2 hàng năm. Những người nuôi tôm cho biết nhiệt độ nước trên 30 độ C sẽ giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh cho tôm.
Các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguồn gốc và phương thức lây lan bệnh Div1. Do không có cách nào hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan, nhiều người nuôi tôm ở Quảng Đông không cho phép người ngoài, bao gồm bạn bè và gia đình, đến gần ao nuôi.
Trong khi, sự lây nhiễm bệnh được cho “chủ yếu từ nước và môi trường hồ nuôi” nhưng ông Qiu cũng không loại trừ nguồn lây từ con người. Tuy vậy, các nhà khoa học thừa nhận họ hiểu biết rất ít về Div1.
“Theo chúng tôi được biết, loại virus này đã xuất hiện ở các nước Đông Nam Á”, ông Huang Jie, Tổng giám đốc Mạng lưới trung tâm thủy sản tại Châu Á- Thái Bình Dương.
Rất khó để thống kê thiệt hại từ dịch bệnh gây ra bởi virus Div1. Thông thường, một hộ nuôi tôm mỗi năm thu hoạch tôm 4 lần, cứ bị nhiễm dịch thì sản lượng thu hoạch tôm hàng năm sẽ giảm ít nhất là ¼. Do dịch Dvi1 nên sản lượng tôm thẻ chân trắng hàng năm tại Trung Quốc đã giảm từ mức 1,5 triệu tấn vào năm 2013 chỉ còn 1.2 triệu tấn vào năm 2018 (trích số liệu Báo cáo thống kê thủy sản Trung Quốc năm 2019).