358 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 2
- Tra cứu phẫu thuật
- 23:03 - 08/01/2015
Đến hết năm 2012, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 657 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý "Mẹ Việt Nam Anh hùng". Năm 2013, thực hiện Pháp lệnh số 5/2012/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành lập hồ sơ, đề nghị và được Chủ tịch nước quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho 444 mẹ.
Như vậy, cùng với 358 bà mẹ được tặng và truy tặng trong đợt này, toàn tỉnh có 1.459 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong năm 2014 Sở LĐ-TB&XH đã khẩn trương hoàn tất việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ và đề nghị cấp có thẩm quyền xét truy tặng cho các bà mẹ theo quy định.
Để tỏ lòng biết ơn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng với việc tổ chức Lễ trao tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo và thực hiện chế độ ưu đãi đối với các bà mẹ được phong tặng và thân nhân thờ cúng các bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Văn Vọng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc trao danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. |
Giao cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực tiếp chuyển chế độ ưu đãi tới các bà mẹ được phong tặng và thân nhân thờ cúng các bà mẹ được truy tặng theo đúng quy định.
Đồng thời, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai kế hoạch giao cho các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc đối với các bà mẹ còn sống đến cuối đời.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Vĩnh Phúc đã có trên 15 nghìn liệt sĩ, gần 12 nghìn thương binh, bệnh binh, gần 5.000 người nhiễm chất độc da cam, gần 1000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, hàng vạn người mắc các bệnh do nhiều năm hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến trong điều kiện khó khăn, gian khổ; đóng góp hàng triệu ngày công và hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ tiền tuyến...
Với sự đóng góp to lớn đó, Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; hơn 8 vạn người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 80 tập thể, 26 cá nhân được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
Những năm gần đây thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với những thành tựu của việc phát triển kinh tế, chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách đối với người có công nói riêng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quan tâm chú trọng.
Đến nay toàn tỉnh không có hộ gia đình chính sách phải ở nhà dột nát, không có hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo, tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.
Đến hết năm 2013, giải quyết hỗ trợ về nhà ở cho 4.023 hộ người có công đang sống trong các nhà xuống cấp cần xây mới và sửa chữa; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được toàn xã hội hưởng ứng và thu được kết quả cao; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp luôn có hoạt động tri ân thiết thực như tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà nhân dịp 27/7 hàng năm cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công; nhận chăm sóc và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống.
Kết quả công tác thương binh liệt sỹ và người có công đã góp phần ổn định tình hình chính trị và nâng cao đời sống nhiều mặt của các gia đình chính sách, khơi dậy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, làm đẹp thêm tình làng, nghĩa xóm.