Vinh danh tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào phát triển đất nước
- Tây Y
- 16:42 - 17/11/2021
3 tập thể và 6 cá nhân được vinh danh
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Chương trình “Vinh quang Việt Nam” là sự kiện lớn của tổ chức Công đoàn nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Được tổ chức lần đầu tiên đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao Động 1/5/2004, trải qua 15 lần tổ chức, Chương trình Vinh quang Việt Nam đã tôn vinh 236 tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống. Các điển hình được tôn vinh trong chương trình được xã hội thừa nhận rộng rãi, phát huy vai trò tích cực trong đời sống, lan tỏa các giá trị tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước”, ông Khang nhấn mạnh.
Ông Khang cho rằng, điểm chung của tất cả những tập thể, cá nhân được vinh danh chính là khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, chiến thắng sự trì trệ, lạc hậu, phục vụ con người, phụng sự Tổ quốc. Nhiều cá nhân, đơn vị trở thành nguồn cảm hứng lan toả hiệu ứng tích cực trong xã hội, được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và một lần nữa được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Khát vọng Việt Nam”.
9 cá nhân và tập thể được vinh danh gồm: Tổng công ty mạng lưới Viettel, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội, Bộ Quốc phòng. Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng. Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông Trương Thái Sơn, công nhân Đội quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Bà Thái Hương, chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH. Bà Huỳnh Thị Phương Liên, chuyên gia cao cấp Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế. Nguyễn Văn Nhã, sinh viên khoa công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế). Ông Vũ Hữu Lê, giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và xây lắp Hồng Hà, TP Yên Bái, Yên Bái. PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên).
Vinh danh cô giáo giúp bảo tồn, nhân giống nhiều dược liệu quý
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An, PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên luôn mơ ước được học hành để có được một công việc thoát nghèo và được cống hiến thực sự cho xã hội. Ước mơ đó đã đưa cô đến với lĩnh vực lâm nghiệp - con đường gập ghềnh khúc khuỷu, mà ít ai lựa chọn, đặc biệt đối với nữ giới.
Sau gần 30 năm bám trụ với vùng núi rừng để nghiên cứu, PGS.TS Thu Hà và cộng sự đã chọn và nhân giống thành công hơn 40 loại dược liệu quý của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng ở quy mô công nghiệp, trong đó có 18 loài đã được bảo hộ giống và đưa vào sản xuất thương mại theo chuỗi giá trị. Cô đã và đang giúp các địa phương tiếp tục di thực những loài sâm quý hiếm như Sâm Ngọc linh, Sâm Lai Châu, Tam thất hoang,… đến những vùng có điều kiện sinh thái tương tự, nhằm giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển trồng dược liệu quý dưới tán rừng để đạt mục tiêu kép vừa giải quyết vấn đề sinh kế, làm giàu và vừa bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
PGS.TS Thu Hà là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp bắt đầu từ năm 2008 với mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hệ thống công lập đầu tiên ở đại học vùng đúng nghĩa không sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước với gần 100 cán bộ nghiên cứu khoa học. Đưa Viện trở thành một trong những Viện hàng đầu về nghiên cứu giống lâm nghiệp và dược liệu của cả nước với những giải thưởng danh dự như Bông lúa vàng Việt Nam. Đến nay Viện đã bảo tồn được hơn 400 loại dược liệu quý của Việt Nam và là cái nôi đào tạo nghề cho hàng nghìn kỹ sư, cử nhân, cao đẳng là con em đồng bào dân tộc thiểu số và tạo hàng ngàn việc làm cho sinh viên và học viên trong suốt hơn 10 năm qua. Hằng năm cung cấp từ 10-15 triệu cây giống chất lượng cao để phủ xanh đồi núi và làm giàu cho rừng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, PGS.TS Thu Hà lại một lần nữa kiên cường tiếp tục dẫn dắt Viện và 3 doanh nghiệp khoa học của các tỉnh Thái Nguyên và Hà Giang, 8 HTX trồng và chế biến dược liệu của các tỉnh vươn lên và tạo ra nhiều sản phẩm về chăm sóc sức khỏe chất lượng cung cấp cho nhu cầu chống dịch, cũng như từ thiện cho cộng đồng trong suốt 2 năm qua.
Thực tế hiện nay, ngành đào tạo lâm nghiệp đang trở nên thiếu hấp dẫn và rất ít người học. Say với nghề, trăn trở với số phận của ngành nghề, PGS.TS Thu Hà lại một lần nữa nhận nhiệm vụ kép “Trưởng khoa Lâm nghiệp” kiêm Viện trưởng để dành toàn bộ tâm huyết truyền cảm hứng ngành nghề và đào tạo đội ngũ cán bộ lâm nghiệp kế cận cho các tỉnh vùng núi với mô hình “Đào tạo gắn liền với thực tiễn nghiên cứu khoa học”. Và giờ đây, PGS Thu Hà với những tâm huyết dành cho nghề, lại dành tâm sức cho nhiệm vụ tuyển sinh, truyền nhiệt huyết cho con em đồng bào dân miền núi và dân tộc thiểu số chọn ngành lâm nghiệp.