Vietnamobile kiến nghị Thủ tướng: Cho doanh nghiệp xây dựng gói cước viễn thông phù hợp
- Công nghệ mới
- 19:18 - 28/02/2019
Trong văn bản, Vietnamobile cho biết, đến thời điểm hiện tại công ty đã phủ sóng lên tới 91,3% dân số (2G), 81,3% dân số (3G) và đã phủ sóng 4G tại 37 tỉnh, thành. Điều này minh chứng cho niềm tin, nỗ lực và sự kỳ vọng của doanh nghiệp và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, cũng như kỳ vọng vào sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ mới đối với khối kinh tế tư nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông mà Vietnamobile là đại diện duy nhất trong thị trường liên quan.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, Vietnamobile, trái với kỳ vọng của chúng tôi, mạng Vietnamobile ngày càng đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt trước những chính sách bất công bằng và sự độc quyền trong cạnh tranh không cân bằng từ các nhà mạng đại diện cho khối doanh nghiệp Nhà nước.
Về tài nguyên tần số, Vietnamobile đề nghị Thủ tướng xem xét và có chính sách công bằng trong việc phân bổ nguồn lực tần số vì các doanh nghiệp Nhà nước về viễn thông đang nắm giữ trên 95% quỹ tài nguyên tần số quốc gia.
Cụ thể, Vietnamobile đề nghị được phẩn bổ thêm băng tần 850 MHz để tạo sự cạnh tranh và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng Việt Nam.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị có chính sách hợp lý, thoả đáng trong đấu thầu tần số 2600 MHz để các doanh nghiệp viễn thông di động nhỏ như Vietnamobile và Gtel có cơ hội được sử dụng băng tần này.
Kiến nghị tiếp theo của Vietnamobile là có sự chỉ đạo, định hướng để Vietnamobile được thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800Mhz và 210 Mhz với các nhà mạng hiện có để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số của quốc gia.
Vietnamobile cũng báo cáo thêm với Thủ tướng rằng, Vietnamobile và nhà đầu tư nước ngoài của họ đã gửi công văn cho các cơ quan liên quan về vấn đề cấp phép tần số nhưng "rất tiếc vẫn chưa nhận được ý kiến hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết vấn đề này".
Đề xuất tiếp theo liên quan đến chính sách quản lý theo thị phần viễn thông thực tế.
Văn bản của Vietnamobile nêu rõ, thị trường viễn thông di động tại Việt Nam có sự phân chia rất rõ ràng theo quy mô doanh nghiệp: Viettel 50,6%, Vinaphone 24,8%, Mobifone 20,16%, Vietnamobile 3,6% và Gtel 0,4%.
Theo Vietnamobile, hiện tại, duy nhất Viettel được Bộ Thông tin và truyền thông xác định là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường đối với một số các dịch vụ viễn thông quan trọng mà nhà nước cần quản lý cạnh tranh (dịch vu điện thoại, nhắn tin, truy cập internet). Mặc dù vậy, so với các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile và Gtel, thị phần của Vinaphone và Mobifone gấp khoảng gần 8 lần mà vẫn được hưởng nhiều ưu đãi bằng các chính sách bảo hộ không công bằng.
Quan điểm của Vietnamobile là những quy định của cơ quan quản lý cần theo sát thực tế của thị trường, mà cụ thể là thị phần thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, các khung pháp lý bao gồm các quy định về quản lý nhà nước như quy định về giá cước, cước kết nối, hoạt động khuyến mại... và toàn bộ các quy định liên quan khác áp dụng với doanh nghiệp viễn thông di động cần được xây dựng, tổ chức theo sát thực tế doanh nghiệp.
Cụ thể, quản lý theo 3 nhóm doanh nghiệp dựa trên thị phần thực tế. Nhóm 1, doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên - doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Nhóm hai, doanh nghiệp có thị phần từ 15 đến dưới 30% và nhóm ba gồm doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn 15%.
Vietnammobile cũng phản ánh, gần đây Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất sửa đổi nghị định 25 trong đó có đề xuất đáng chú ý là bất kỳ nhà mạng nào cũng sẽ được coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu "tỷ lệ dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ trên mạng viễn thông di động mặt đất của doanh nghiệp chiếm từ 90% tổng dân số cả nước trở lên".
Theo Vietnamobile, không nên đưa quy định này vào nghị định sửa đổi vì không phù hợp với pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam. Bởi lẽ, không phụ thuộc vào thị phần và các tiêu chí khác, chỉ cần bất cứ nhà mạng nào được phép thiết lập hạ tầng mạng ở quy mô toàn quốc sẽ trở thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nếu mạng lưới của nhà mạng đó bao phủ 90% tổng dân số cả nước, ngay cả khi nhà mạng đó không có thuê bao và thị phần là 0%.
Theo Vietnamobile, lãnh đạo Cục Viễn thông đã thông báo, Viettel, Mobifone và Vinaphone thoả thuận rằng các doanh nghiệp trên thị trường không được bán thấp hơn 50.000 đồng/tháng cho mỗi gói cước viễn thông di động. Các doanh nghiệp có thị phần nhỏ chỉ được phép bán thấp hơn 5% (tức là 45.000 đồng/tháng) cho gói cước viễn thông di động của mình.
"Chúng tôi cho rằng, việc các doanh nghiệp lớn tự bàn bạc và thoả thuận với nhau, áp đặt mức giá bán tối thiểu để cưỡng bức nhằm tiêu diệt các doanh nghiệp nhỏ là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh (vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh về việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh) làm méo mó thị trường", Vietnamobile viết.
Vietnamobile cũng bày tỏ lo ngại khi Cục Viễn thông có ý tưởng về việc quy định mức hoa hồng tối đa cho một thuê bao kích hoạt mới mà một doanh nghiệp viễn thông được trả cho các nhà phân phối của mình là không cao hơn 7.500 đồng.
"Pháp luật về giá không hề cho phép việc can thiệp thô bạo vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như vậy. Điều này làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài của chúng tôi", Vietnamobile trình bày.
Đề xuất của Vietnamobile là cho phép doanh nghiệp viễn thông được chủ động xây dựng gói cước viễn thông phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh. Phân loại tỷ lệ bán thấp hơn cho từng đối tượng doanh nghiệp viễn thông có thị phần khác nhau (doanh nghiệp có thị phần nhỏ thì được phép bán các gói cước viễn thông di động với mức cước thấp hơn tương ứng với thị phần).