Việt Nam ứng cử Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025
- Tây Y
- 16:17 - 10/10/2022
Ngày 07/10 tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sỹ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) đã bế mạc Khóa họp thường kỳ lần thứ 51, sau 4 tuần làm việc từ 12/9 – 07/10/2022.
Trong hai ngày cuối của Khóa họp, HĐNQ gồm 47 nước thành viên đã thông qua 39 dự thảo nghị quyết, 1 Quyết định của Chủ tịch HĐNQ về hỗ trợ điều kiện công tác cho HĐNQ và 1 Tuyên bố Chủ tịch.
Đây là kết quả của Khóa họp với 44 phiên họp, 5 Phiên thảo luận Panel, 28 phiên đối thoại với các cơ chế nhân quyền LHQ và xem xét gần 80 báo cáo chuyên đề. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn đã tham gia tích cực tại Khóa họp.
Khóa họp 51 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục diễn ra ở một số nơi trên thế giới.
Tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, giá năng lượng, lương thực, lạm phát tăng cao ở nhiều nước và các thách thức an ninh phi truyền thống khác đặt ra nhiều khó khăn cho việc đảm bảo và thụ hưởng quyền con người, đồng thời đẩy lùi nỗ lực hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ.
Đại diện cho Việt Nam phát biểu tại nhiều phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã nhấn mạnh các ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025; tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta lấy con người là trung tâm của phát triển, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển.
Đại sứ cũng nêu bật các nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới; thúc đẩy đối thoại, hợp tác tại HĐNQ trên tinh thần khách quan và xây dựng, gắn liền với các trọng tâm của LHQ và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia một số phát biểu chung với các nước ASEAN, Phong trào Không Liên kết (NAM), Khối Pháp ngữ (Francophonie) và Nhóm các nước đồng quan điểm (LMG) để thúc đẩy các nội dung nhân quyền ưu tiên chung và tích cực tham gia tham vấn, xây dựng các dự thảo nghị quyết của Khóa họp. Việt Nam đã đồng bảo trợ hai nghị quyết hàng năm về quyền phát triển và nâng cao hợp tác kỹ thuật, xây dựng năng lực trong lĩnh vực nhân quyền, góp phần thúc đẩy ưu tiên và lợi ích của các nước đang phát triển tại HĐNQ.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của HĐNQ trong thời gian qua cũng như trong năm nay, trong đó có Triển lãm ảnh về Dân tộc và Tôn giáo vào cuối tháng 6/2022, là một trong ba nước nòng cốt chủ trì giới thiệu Nghị quyết thường niên của HĐNQ về quyền con người và biến đổi khí hậu, và việc ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện chính sách của Việt Nam lấy người dân làm trung tâm, cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong năm kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977 – 20/9/2022).
Khóa họp 51 là khóa họp HĐNQ đầu tiên sau khi Tổng thư ký LHQ bổ nhiệm ông Volker Türk đảm nhiệm vị trí Cao ủy Nhân quyền LHQ thay bà Michelle Bachelet hết nhiệm kỳ cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên tân Cao ủy Volker chưa tham dự Khóa họp.
Phát biểu tại một số phiên họp của Khóa họp, Quyền Cao ủy Nhân quyền LHQ Nada Al-Nashif, thay mặt tân Cao ủy Nhân quyền, nhấn mạnh yêu cầu nâng cao cam kết chính trị, phối hợp hành động đa phương, tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, xây dựng xã hội công bằng và bình đẳng hơn vì mục tiêu chung đảm bảo hòa bình, ổn định và công lý trên thế giới.
Thảo luận tại Khóa họp HĐNQ tiếp tục thể hiện các quan điểm khác nhau về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; nỗ lực của các nước đang phát triển phản đối quan điểm của phương Tây mang tính áp đặt, tiêu chuẩn kép và chính trị hóa, và kêu gọi đối thoại xây dựng, hợp tác quốc tế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Các phiên thảo luận chuyên đề tại Khóa họp đã tập trung vào một số nội dung thu hút sự quan tâm của toàn cầu và HĐNQ như đảm bảo quyền phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác của HĐNQ, đảm bảo quyền việc làm trong ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, đảm bảo quyền sức khỏe thể chất và tinh thần, thúc đẩy giáo dục, nâng cao nhận thức về nhân quyền.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Uraina vẫn diễn biến phức tạp, HĐNQ đã có nhiều thảo luận về tình hình nhân quyền tại Nga và Ucraina. Khóa họp cũng thảo luận về tình hình nhân quyền tại một số nước, trong đó nhiều thảo luận thể hiện quan tâm về tình hình nhân quyền tại Tân Cương, sau khi cựu Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet có chuyến thăm đến Trung Quốc và công bố báo cáo đánh giá tình hình nhân quyền tại Tân Cương, Trung Quốc cuối tháng 8 vừa qua.
Ngoài ra, Khóa 51 cũng thảo luận tình hình nhân quyền ở một số nước như Myanmar, Campuchia, Philippines, Afghanistan, Sri Lanka, Belarus, Venezuela, Syria, Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Ethiopia, Cộng hòa Trung Phi.
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử thành viên mới của HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam là một ứng viên, sẽ diễn ra tại Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 11/10 sắp tới và Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 HĐNQ sẽ diễn ra từ 27/02 – 31/3/2023.