Việt Nam trong TPP: Thành viên yếu nhất, đòi hỏi cao nhất
- Tây Y
- 15:30 - 06/10/2015
Những lần lỡ hẹn
Không chỉ có một thị trường 600 triệu dân trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, với TPP, Việt Nam sẽ mở thêm cơ hội quý báu với nền kinh tế lớn nhất nhìn thế giới ở nửa bên kia bán cầu và với khu vực chiếm 40% GDP toàn cầu.
Chính vì thế, sau khi kết thúc đàm phán, tất cả đều nhìn nhận đây là một thỏa thuận lịch sử, mở ra một tương lai mới cho kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thông báo của mình nhấn mạnh:“TPP bao gồm các cam kết và môi trường thương mại tốt nhất trong lịch sử và những cam kết này có tính thực thi, không giống những thỏa thuận trước đây, TPP cũng thúc đẩy hệ thống Internet mở và miễn phí. Nó sẽ giúp tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh trong khu vực quan trọng của thể kỷ 21.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá: "Thỏa thuận này không chỉ quan trọng vì quy mô của nó, khi các nước ký kết chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, mà còn thúc đẩy phạm vi thương mại và đầu tư hàng hóa, dịch vụ sang những khu vực mới, nơi có lợi ích đáng kể"
Với TPP, Việt Nam sẽ mở thêm cơ hội quý báu với nền kinh tế lớn nhất nhìn thế giới ở nửa bên kia bán cầu và với khu vực chiếm 40% GDP toàn cầu.
Nhìn lại 5 năm qua kể từ khi Việt Nam tham gia, TPP đã không ít lần bế tắc hoặc lỗi hẹn.
Ban đầu, khi đàm phán, các thành viên hướng tới mục tiêu sẽ xoá bỏ 100% hàng rào thuế quan nhưng sau hàng chục phiên họp, các nước đều nhận thấy, đó là điều không thể.
Năm 2009, khi Mỹ bắt đầu gia nhập TPP, cục diện bàn đàm phán thay đổi bởi Mỹ với vị thế là nền kinh tế khổng lồ thế giới trở thành người cầm trịch.
Một quy tắc về xuất xứ từ sợi được nước này đưa ra với dệt may mà theo đó, sản phẩm muốn hưởng ưu đãi thuế trong TPP bắt buộc phải có 40% tỷ lệ nội khối trở lên. Đây có thể coi là một trong những điểm tắc đầu tiên trong lĩnh vực hàng hoá. Trong đó, Việt Nam bị bất lợi nhất bởi phụ thuộc 70% nguyên phụ liệu Trung Quốc.
Tuy nhiên, xung đột giữa Việt Nam và Mỹ về vấn đề này cuối cùng cũng dần được hoá giải nhất định. Đến giữa năm 2014, quy tắc xuất xứ sợi cũng đã được thống nhất có điều chỉnh theo trường hợp ngoại lệ "nguồn cung thiếu hụt".
Điểm bế tắc lần hai là việc Nhật Bản tuyên bố bảo hộ 5 mặt hàng nông sản nhạy cảm là thịt, sữa, đường, gạo, lúa mỳ, còn Mỹ thì muốn bảo hộ ô tô. Hiệp định lại trở nên căng thẳng tột đỉnh, khiến đàm phán TPP năm 2013 -2014 gần như không tiến triển gì nhiều.
Năm 2015, phiên đàm phán TPP ở Hawai bắt đầu vào cuối tháng 7, khắp nơi cũng rộ lên TPP có thể sẽ được hoàn tất. Bởi khi đó, 98% công việc ở TPP đã cơ bản đạt được thoả thuận.
Thế nhưng, vì số ít việc còn lại gồm mở cửa thị trường ô tô, sữa và bảo hộ dược phẩm sinh học, cuộc đàm phán đã kết thúc mà không có thoả thuận nào đạt được. Ngày 31/7 đã đánh dấu "phút 89" thất bại việc kết thúc TPP. Trong đó, xung đột chủ yếu nằm ở Mexico, Canada và Nhật Bản về tỷ lệ nội khối ô tô, giữa Mỹ và Australia về bảo hộ dược phẩm, và giữa New Zealand với các quốc gia còn lại về mở cửa sữa.
Và giờ đây, phiên đàm phán Alanta khai mạc hôm 30/9 đã phải kéo dài thêm một ngày bởi những bất đồng về bảo hộ dược phẩm giữa Mỹ và Australia.
Các nước thành viên cũng coi đây là cơ hội cuối cùng thúc đẩy TPP hoàn thành, kịp tiến độ Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn thông qua tháng 11 tới.
Kể từ khi tham gia, Tổng thống Obama thường tuyên bố mong muốn TPP sẽ kết thúc sớm, ít nhất là đàm phán cơ bản vào cuối năm. Lúc đầu là cuối năm 2011, rồi cuối năm 2012, cuối năm 2013... và giờ là cuối năm 2015, mọi hi vọng kết thúc TPP vẫn còn rất mong manh.
Đối mặt được mất
Việt Nam là quốc gia kém phát triển nhất trong số 12 thành viên của TPP nên chắc chắn, thách thức sẽ lớn hơn gấp đôi, gấp ba, hay thậm chí là gấp 10 lần.
ổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng,"Ðây là bước tiến quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu, trong một thế giới không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương".
Việt Nam là quốc gia kém phát triển nhất trong số 12 thành viên của TPP nên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Thái cũng cho rằng, thách thức lớn hơn nữa là các chuẩn mực về pháp luật, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, về lao động mà Việt Nam sẽ phải hoàn thiện hơn trong TPP.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương lo ngại, TPP khác với tất cả các hiệp định khác ở chỗ, không có lộ trình. Với cam kết về gỡ bỏ hàng rào thuế quan thì 90% là sẽ phải thực hiện ngay. Đây sẽ là một thách thức lớn khi phần lớn, nhiều DN Việt Nam, thậm chí các lãnh đạo còn chưa hiểu sâu về cuộc chơi hội nhập này. Nhóm các DN nhỏ và vừa có thể bị tổn thương lớn. TPP bắt buộc các nước dù trình độ phát triển khác nhau, thể chế khác nhau, đều phải chấp nhận luật chung sòng phẳng.
Tuy nhiên, lợi ích mà TPP mang lại cho Việt Nam được kỳ vọng là khổng lồ.
Theo nghiên cứu của VCCI, Việt Nam có thể có thêm 64 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng 13% nhờ quy mô xuất khẩu sẽ tăng 37% trong TPP hơn là so với việc giữ nguyên các cam kết thương mại như hiện nay. TPP có thể giúp Việt Nam đảo ngược tình thế nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc.
Đặc biệt, liên quan đến thể chế, TPP tạo áp lực cho khu vực doanh nghệp Nhà nước, vốn bị coi là trì trệ, nhiều yếu kém phải thay đổi và phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Mọi sự hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp đối với DNNN đều phải theo quy định trong TPP.
Dù thách thức lớn nhưng vẫn có khoảng 66% doanh nghiệp ủng hộ Việt Nam gia nhâp TPP, gồm nhiều ngành từ sản xuất, xây dựng, thương mại, nông nghiệp, khai khoáng.
Niềm tin này có thể còn được gia tăng hơn khi Ngân hàng Thế giới mới đây cũng dự đoán, TPP có thể giúp Việt Nam tăng GDP thêm 8-10%.