Việt Nam tham gia tích cực tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 27
- Tây Y
- 20:05 - 30/03/2022
Đây là sự kiện quan trọng và là cuộc họp đầu tiên trong năm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (VH-XH) ASEAN. Các Bộ trưởng, thành viên của Hội đồng Cộng đồng sẽ trao đổi về những ưu tiên, các văn kiện đề xuất xây dựng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 thông qua/ghi nhận; chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần quan tâm và định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng/Trưởng đoàn của các nước ASEAN phụ trách Cộng đồng VH-XH, Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cùng sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng VH-XH ASEAN tại Việt Nam, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; và một số Lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ LĐTBXH.
Cộng đồng VH-XH ASEAN lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã chúc mừng Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Cam-pu-chia trên vai trò Chủ tịch Cộng đồng VH-XH ASEAN 2022. Hội nghị bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với chủ đề Cam-pu-chia đã lựa chọn “Hành động ASEAN: cùng nhau giải quyết thách thức” cùng với một loạt các sáng kiến Campuchia đưa ra trong năm nay, đặc biệt trong lĩnh vực thanh niên, thể thao, lao động và tăng cường khả năng kinh doanh cho phụ nữ.
Các Bộ trưởng đánh giá cao những ưu tiên và nỗ lực của Cộng đồng VH-XH trong việc gắn kết con người với con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững và không bỏ ai ở lại phía sau. Các hoạt động của Cộng đồng VH-XH đang ngày càng thực chất, bám sát vào ưu tiên của quốc tế, khu vực và quốc gia thông qua các sáng kiến được thực hiện trong Kế hoạch Tổng thể Văn hóa Phòng ngừa, Khung khổ phục hồi toàn diện ASEAN hay Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội nghị cũng hoan nghênh ngành giáo dục – đào tạo đang tạo sự chuyển biến trong việc thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục, mở cửa lại trường học và thích nghi giáo dục và đào tạo trong bối cảnh bình thường mới để học sinh, sinh viên có thể đến trường, kết hợp học tập theo nhiều hình thức khác nhau hướng tới một thế hệ công dân ASEAN là công dân toàn cầu.
Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể thao và ủng hộ việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát huy vai trò của thể thao trong xây dựng cộng đồng ASEAN và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; Tuyên bố ASEAN về củng cố bản sắc ASEAN thông qua bảo vệ các môn thể thao và trò chơi truyền thống trong thế giới hiện đại. Hội nghị cũng ghi nhận sự phát triển của Kế hoạch hợp tác ASEAN-FIFA 2021-2022 và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Thể thao ASEAN về việc củng cố nền tảng của các vận động viên ASEAN tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng thống nhất về nội dung của Báo cáo Hội nghị ASCC lần thứ 27 để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 40 và 41 sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2022.
ASEAN Hành động: Cùng nhau giải quyết các thách thức
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và ủng hộ chủ đề Cam-pu-chia đã lựa chọn “ASEAN Hành động: cùng nhau giải quyết các thách thức”. Chủ đề này chính là sự tiếp nối những hành động và cam kết của ASEAN trong những năm qua để đối phó với các thách thức mới nổi của dịch bệnh, xã hội già hóa, biến đổi khí hậu và kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0, thể hiện sự đoàn kết của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị đang có những diễn biến phức tạp.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những thách thức hiện tại không làm mài mòn hợp tác ASEAN mà còn đẩy mạnh những cam kết của Cộng đồng VH-XH. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thể thao sẽ giúp người dân có thể lực tốt và xây dựng tinh thần đoàn kết, đặc biệt phát huy những trò chơi truyền thống của các nước thành viên trong ASEAN sẽ làm sâu sắc bản sắc ASEAN với sự tôn trọng tính đa dạng về văn hóa của các nước, tạo thành điểm độc đáo của ASEAN mà không phải khu vực nào có được. Ngành giáo dục – đào tạo cũng đang tạo sự chuyển biến trong việc thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục, mở cửa lại trường học và thích nghi giáo dục và đào tạo trong bối cảnh bình thường mới để học sinh, sinh viên có thể đến trường, kết hợp học tập theo nhiều hình thức khác nhau hướng tới một thế hệ công dân ASEAN là công dân toàn cầu.
Với tư cách là Bộ trưởng phụ trách cả lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và bình đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự ủng hộ cao đối với sáng kiến của Campuchia trong việc xây dựng Tuyên bố về liên thông bảo hiểm trong ASEAN, thúc đẩy tiềm năng của phụ nữ trong kinh doanh, hòa bình và an ninh. Bộ trưởng đánh giá những nỗ lực này của Cộng đồng VH-XH ASEAN là minh chứng cho việc bảo vệ những nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, đảm bảo bảo vệ quyền của người lao động nói chung và lao động di cư nói riêng, xây dựng một xã hội cởi mở, thích ứng và xóa bỏ những bất bình đẳng còn tồn tại trong xã hội của chúng ta. Bộ trưởng tin tưởng rằng những sáng kiến gần đây của ASEAN trong tăng cường vai trò của Thanh niên ASEAN cũng sẽ góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển bền vững. Bộ trưởng gửi lời chúc mừng các cơ quan chuyên ngành của Cộng đồng về việc hoàn thiện kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 trong đó đã phản ánh rất nhiều những hành động sẽ được thực hiện nhằm có thể thích ứng và phục hồi sau đại dịch, tận dụng các cơ hội mang lại của kỷ nguyên số, cách mạng 4.0, xây dựng môi trường bền vững cho Cộng đồng ASEAN.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam để phục hồi sau đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và cũng mở rộng chính sách cho cả những đối tượng đặc thù như lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và các nhóm đối tượng mà trong đó phụ nữ chiếm đa số như lao động tự do, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật. Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện thành công chiến lược “đi sau - về trước” với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Tính đến hết ngày 11/3/2022, Việt Nam đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó trên 80% dân số được tiêm bao phủ ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19. Những nỗ lực này đã giúp người dân Việt Nam nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường, tập trung phát triển kinh tế, mở cửa du lịch và mở cửa lại trường học.
Hội nghị ASCC là Hội nghị cấp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực hợp tác Cộng đồng VH-XH ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, được tổ chức 2 lần/năm trước hoặc liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN để rà soát việc thực hiện các hoạt động và chuẩn bị các văn kiện thuộc lĩnh vực phụ trách của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội trong các hoạt động hợp tác ASEAN để trình Cấp cao ASEAN thông qua.