Việt Nam tham gia Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á
- Y học 360
- 16:02 - 12/02/2022
SEADRIF là một nền tảng hợp tác khu vực của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) nhằm tăng cường năng lực tự cường tài chính đối với rủi ro thiên tai và khí hậu trong khu vực ASEAN.
Với việc tham gia SEADRIF, Việt Nam sẽ tiếp cận các giải pháp kỹ thuật, tài chính của khu vực và quốc tế giúp tăng cường khả năng bảo vệ tài chính quốc gia và người dân trước những cú sốc về thiên tai và khí hậu.
“Chính phủ Việt Nam nhận thấy thách thức ngày càng lớn từ rủi ro thiên tai và khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tăng cường khả năng sẵn sàng về tài chính cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai là một trong những ưu tiên của Chính phủ trong việc bảo vệ thành quả phát triển của đất nước và hạnh phúc của người dân", Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Đức Chi cho biết.
Việc tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế như SEADRIF sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực và khả năng ứng phó với các tác động thiên tai bằng các công cụ tài chính mới. Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm cùng với các thành viên ASEAN+3 và các đối tác phát triển trong nỗ lực chung ứng phó với rủi ro thiên tai toàn cầu và khu vực”, ông Nguyễn Đức Chi chia sẻ thêm
SEADRIF là sáng kiến đầu tiên cơ chế tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai tại Châu Á được thành lập vào tháng 12 năm 2018 với sự phê duyệt của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 và hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới.
Với tư cách là thành viên SEADRIF, Việt Nam sẽ có thể cùng với các quốc gia khác thiết kế và phát triển các giải pháp và dịch vụ nhằm giải quyết thách thức quốc gia trong việc huy động nguồn lực tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai.
Ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách về quốc tế và Đồng Chủ tịch Hội đồng thành viên SEADRIF nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam trở thành thành viên thứ tám của SEADRIF vào thời điểm quan trọng khi tất cả các nước thành viên SEADRIF đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tài chính dự phòng để quản lý tác động ngày một tăng lên của rủi ro thiên tai và khí hậu".
Ông Masato Kanda cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc ứng phó với các rủi ro trên thông qua khai thác các dịch vụ và sản phẩm phù hợp do SEADRIF cung cấp và thể hiện vai trò của Việt Nam trong xây dựng một khu vực ASEAN tự cường hơn nữa”,
Tư cách thành viên SEADRIF cho phép các nước thành viên nhận được hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực bảo vệ ngân sách nhà nước, bảo vệ tài chính đối với tài sản công, lập mô hình rủi ro và quản lý rủi ro, phát triển thị trường bảo hiểm trong nước, đổi mới công nghệ và sản phẩm tài chính.
Việt Nam cũng có thể thông qua SEADRIF để tiếp cận thị trường tài chính quốc tế với quy mô kinh tế rộng lớn hơn nhờ cơ chế chia sẻ rủi ro với các nước thành viên khác và tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính tiềm năng từ các đối tác phát triển.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Ngân hàng Thế giới, cùng với các đối tác phát triển, đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và các hoạt động trao đổi nhằm giúp Việt Nam xây dựng khả năng quản lý tác động của các cú sốc về thiên tai và khí hậu.
Việc Việt Nam gia nhập SEADRIF là một bước quan trọng để cải thiện không gian tài khóa và tính chống chịu của hệ thống tài chính quốc gia trước các rủi ro thiên tai và khí hậu, điều này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang trên con đường phục hồi xanh và bền vững sau COVID-19.
Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán. Thiên tai đã gây thiệt hại đáng kể đối với các cộng đồng dân cư và làm gián đoạn các hoạt động kinh tế quan trọng.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế tài chính để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm các công cụ ngân sách, ngoài ngân sách và các công cụ thị trường khác.