THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:50

Việt Nam phát hiện hai biến chủng SARS-CoV-2 mới, hoàn thành giai đoạn một tiêm vaccine Covivac

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, hai biến chủng mới đó là B.1.222 và biến chủng B.1.619.

TS.BS Văn Đình Tráng, Trưởng khoa Vi sinh-Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Biến chủng B.1.222 xuất hiện ở 11 quốc gia, nhiều nhất là ở Anh, đặc biệt là ở vùng Scotland. Biến chủng này có rất nhiều đột biến trên protein gai (spike protein) khác với với chủng của Ấn Độ B.1.617.2.

Việt Nam phát hiện hai biến chủng SARS-CoV-2 mới, hoàn thành giai đoạn một tiêm vaccine Covivac  - Ảnh 1.

Hai biến chủng SARS-CoV-2 mới phát hiện chưa xuất hiện nhiều trong các đợt dịch Covid-19 tại nước ta.

Biến chủng B.1.222 được phát hiện khi nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiến hành giải trình trình tự gen SARS-CoV-2 từ mẫu bệnh phẩm hầu họng của bệnh nhân L.O (29 tuổi), chuyên gia Ukraina là bệnh nhân COVID-19 mã số 2701, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 13/4/2021.

Còn biến chủng B.1.619 có spike protein gần giống với chủng Ấn Độ B.1.617.2. Tuy nhiên, biến chủng này không mang đột biến ở vị trí axit amin 681 (P681R) trên spike protein như chủng B.1.617.2 của Ấn Độ. Biến chủng B.1.619 xuất hiện ở nhiều nước, có thể có nguồn gốc từ Cameroon của Châu Phi sau lan ra châu Âu.

Biến chủng này được phát hiện tại Việt Nam, khi các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiến hành giải trình tự gen mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân M.K.K, một chuyên gia Ấn Độ là bệnh nhân Covid-19 mã số 2902, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào Viêt Nam, được lấy mẫu ngày 27/4 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

TS.BS Tráng cũng cho biết thêm, bệnh nhân D.B.Q (63 tuổi), ca bệnh có mã số 2857, nhân viên của khác sạn nơi đoàn chuyên gia Ấn Độ cách ly tại Yên Bái lại nhiễm SARS-CoV-2 có các đặc tính của biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.

Hai biến chủng này chưa thấy xuất hiện trong khoảng gần 200 mẫu bệnh phẩm bệnh viện đã giải trình gen kể từ các đợt dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta cho tới nay.

Chủng virus biến thể từ Ấn Độ B.1.617.2 là một trong ba phân nhóm (subtype) của chủng B.1.617 và mang hai đột biến quan trọng trên spike protein là L452R và P681R. Chủng B.1.617.2 hiện nay lây lan phổ biến ở nhiều quốc gia và đang là nguyên nhân gây dịch trong cộng đồng rất lớn tại Việt Nam. Ngày 11 tháng 05 năm 2021, tổ chức Y tế thế giới WHO đã xếp chủng B.1.617 vào nhóm biến chủng đáng quan tâm (variant of concern).

Như vậy với 2 biến chủng mới phát hiện này (B.1.222 và B.1.619), Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2.

Theo báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam VOV, PGS.TS Vũ Đình Thiểm cho biết, Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã hoàn thành giai đoạn 1 tiêm vaccine thử nghiệm Covivac trên 120 tình nguyện viên.

Theo PGS.TS Vũ Đình Thiểm, ngày 15/5 vừa qua, 120 tình nguyện viên đã hoàn thành tiêm đủ hai liều vaccine Covivac.

PGS Thiểm cho biết, dự kiến đến ngày 29/5, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành lấy toàn bộ mẫu máu để làm xét nghiệm kháng thể 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 của 120 người. Sau đó tất cả những mẫu máu trước khi tiêm liều 1, trước khi tiêm liều thứ 2 và 14 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 sẽ được gửi sang Canada để thực hiện đánh giá nồng độ kháng thể trong mẫu máu trước và sau khi tiêm. Sau khi có kết quả miễn dịch cùng với kết quả về tính an toàn của vaccine, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo với Bộ Y tế để xin chuyển sang giai đoạn 2.

Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ thực hiện tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. PGS Thiểm cho biết, hy vọng tháng 7 sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn 2. Vì số lượng tham gia giai đoạn 2 là khoảng 300 tình nguyện viên nên nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng hoàn thành trong khoảng 4-5 tháng. Dự kiến, khoảng tháng 11-12  sẽ có kết quả sơ bộ của giai đoạn 2 để chuyển tiếp sang giai đoạn 3.

Cũng theo PGS Thiểm, việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac gặp khó khăn do đợt bùng phát Covid-19 từ cuối tháng 4. Mỗi đợt tiêm thử có từ 15-30 người, chưa bao gồm cán bộ y tế, số lượng người này khiến công tác tổ chức tiêm chủng khó khăn và vất vả hơn. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lo ngại tình huống có người thử nghiệm vaccine không may mắc Covid-19 hoặc trở thành F1, F2, phải cách ly, gây ảnh hưởng tới tiến độ và kế hoạch nghiên cứu.

MỘC MIÊN (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh