THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:26

Việt Nam - Phần Lan hợp tác về lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Ngài Keijo Norvanto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Ngài Keijo Norvanto - Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam

Tham dự buổi tiếp có lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Vụ Hợp tác quốc tế.

Phát biểu tại buổi tiếp, ngài Keijo Norvanto cho rằng, Việt Nam và Phần Lan có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực chính là thương mại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hai nước chưa có nhiều hợp tác về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Nhắc lại nội dung của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Phần Lan trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan vào tháng 9/2021. Tại đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ Phần Lan tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Ngài Keijo Norvanto cho biết, giáo dục tốt là một trong những trụ cột quan trọng, là “chìa khóa” cho những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội và thích ứng với những thách thức mới nổi lên của Phần Lan; khẳng định Phần Lan sẵn sàng hợp tác triển khai các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giáo viên giữa hai nước.

Để làm rõ hơn về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Phần Lan, ngài Keijo Norvanto chia sẻ: Theo hệ thống giáo dục tại Phần Lan, học sinh có thể chọn học tiếp chương trình THPT hoặc chương trình nghề sau khi hoàn tất chương trình trung học. Tùy theo mong muốn và định hướng phát triển, học sinh sẽ lựa chọn chương trình phù hợp.

Chương trình nghề được đào tạo từ 2 - 3 năm. Trong thời gian này, học sinh sẽ được định hướng và thực hành nghề nghiệp nhiều hơn so với học kiến thức giáo dục THPT. Từ đó, các bạn có cái nhìn đúng hơn về ngành và chọn được hướng đi đúng cho bản thân. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, các học sinh có thể học thêm chứng chỉ nghề cao hơn hoặc lấy thêm bằng nghề chuyên biệt. Tiếp đến, học sinh có thể chuyển thẳng lên bậc đại học từ đào tạo nghề. Ở Phần Lan, khoảng một nửa số học sinh hoàn thành chọn giáo dục nghề nghiệp thay vì giáo dục THPT.

Mong muốn hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh để người lao động trau dồi kỹ năng, sử dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường, Ngài Keijo Norvanto cũng đề cập đến việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan.

“Phần Lan đang đứng trước thách thức già hoá dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bởi vậy, rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam sang làm việc để dự phòng thiếu hụt lao động trong tương lai”, ngài Keijo Norvanto đề cập. Với mong nhận được sự phối hợp của Bộ LĐ-TB&XH cùng Đại sứ quán Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam tổ chức một Hội nghị về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tháng 12 tới.

IMG-6169

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt thông qua trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác trên nhiều diễn đàn đa phương, giao lưu nhân dân. Phần Lan là nước có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng đất nước ngày nay với nhiều hình thức. Tuy hợp tác đầu tư hai nước còn khiêm tốn song hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, môi trường, năng lượng sạch được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, phù hợp với tiềm năng và nhu cầu hai bên. Nhất là vực giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam và Phần Lan đều coi trọng chất lượng và trình độ kỹ năng của người lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

“Việt Nam là nước đang phát triển với gần 100 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,6 triệu người. Lực lượng lao động dồi dào, chất lượng lao động từng bước được nâng lên đã và đang là tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong quá trình phát triển”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định.

Về tổ chức Hội thảo liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoàn toàn thống nhất với phía Phần Lan. Tuy nhiên nội dung của hội thảo nên tập trung ở cấp chính sách, chia sẻ, tìm hiểu về GDNN giữa hai nước nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe; hai bên sớm xúc tiến, thảo luận cụ thể hơn về nội dung hợp tác trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp. 

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh